Friday, November 6, 2009

Wellington Museum

Một vài tấm hình chụp tại Bảo tàng Wellington





Thursday, November 5, 2009

Poem: Trong lớp học

Trong lớp học

- Sao không chịu học bài?
- Thưa cô, nhà... dầu hết!
- Ngồi xuống ngay. Điểm một
Lười học chỉ ham chơi!

Có tiếng nói xa xôi:
Làng đang mùa giáp hạt
Sáng chờ xong buổi học
Trưa ra đồng bắt cua.

Rau má ngày một xa
Rổ chưa đầy đã tối
Bữa rau ăn còn đói
Tiền đâu mua dầu đèn.

Đây hai bàn tay em
Mười ngón tay cua cắp
Áo vá rồi lại rách
Chân không dép sưng gai.

Đâu phải em ham chơi
Đâu phải em lười học!

"Khi nhà còn đói khát
Em khó làm trò ngoan"
Ý nghĩ thành nước mắt
Lặng rơi trên mặt bàn.

- (Phí Văn Trân )-

Pelorus Trust Sky Show

Tối qua Wellington tổ chức bắn pháo hoa tại khu cảng, gọi là lễ hội Pelorus Trust Sky Show. Chương trình diễn ra trong 20 phút, hoành tráng, đẹp. Ba anh em hăm hở đón xe bus đi từ lúc 7pm ra cảng. Loanh quanh khu vực cảng hơn 1 tiếng đồng hồ, gió lạnh thấu xương. Đến tháng 11 rồi mà NZ vẫn còn lạnh. Đây là video clip cảnh bắn pháo hoa và một vài bức hình của chuyến đi.














Wednesday, September 23, 2009

Mount Cook in New Zealand


Đây là tấm hình chụp cùng Ross năm 2004 trong chuyến camping tại Mount Cook ở New Zealand. Vèo một cái hết 5 năm rồi. Phía sau là Mount Cook phủ đầy tuyết. Khu vực này suốt ngày nghe tiếng động ầm ầm như biển động do tuyết lở (avalanche)

Monday, September 14, 2009

WTC bị 'san phẳng' và cuộc ném bom 'san phẳng' VN

Để cho sự kiện đau đớn như 11/9 hay chiến tranh Việt Nam không xảy ra, cần có tầm nhìn nhân loại. Nếu chỉ nhìn thấy biên giới quốc gia, như cậu tôi thấy lũy tre quanh làng ở Hoa Lư, hay đồng nghiệp nhìn qua hàng rào nhà mình bên DC, chắc chắn còn xung đột.

Cậu ruột của tôi rất quí những đứa cháu học hành đến nơi đến chốn, thoát ra lũy tre làng để lập thân, trong đó có tôi. Mỗi lần tôi thăm quê, mẹ thường mời họ hàng thân quen, trong đó có cậu, tới chơi nhà. Ngoài chuyện làm ăn, chuyện đường xa, cậu rất quan tâm đến nước Mỹ.

Câu hỏi của cậu là “Nước Mỹ có văn minh không?”. Đương nhiên câu trả lời là “có”. “Tại sao Mỹ lại mang bom ném Việt Nam?"

Làng Tụ An thanh bình thuở nào bên dòng sông Hoàng Long yên ả, chẳng có gì đáng gọi là mục tiêu quân sự. Cống thủy lợi Trường Yên tưới tiêu cho cả tỉnh Ninh Bình. Thế mà nơi đây từng hứng chịu vài lần bom đạn Mỹ, thực hiện "giấc mơ " làm "phẳng" miền Bắc của Tổng thống Mỹ lúc đó là Johnson. Giữa năm 1968, cống bị oanh tạc, mấy chục người chết thảm. Hai bên mố cống bị sụt lở và nứt. Năm đó lũ lụt đã tiếp tay phá tan đê. Hàng vạn người kêu khóc, trẻ em bà già nheo nhóc chạy lũ lên núi vào một đêm đen tối. Cậu tôi ghét Mỹ là đương nhiên.

Năm 2005, sau khi định cư ở Mỹ vài năm, tôi về thăm. Lại câu hỏi khác về nước Mỹ: “Họ có mạnh không?”. Câu trả lời: “Mỹ mạnh nhất thế giới, cậu ạ”. “Mạnh mà để Bin Laden tấn công?”.

Cậu nói với vẻ hài lòng: “Ném bom làng mình, gây tội ác, thì phải nhận hậu quả thôi”. Đó là cách người nông dân ít học quê tôi nghĩ về sự kiện 11/9.

Vào 8 giờ 46 phút sáng 11/9/2001, chiếc máy bay American Airlines số 11 chở khách đầu tiên lao vào tầng 80 đã chia cắt những tầng lầu trên đó thành ốc đảo. Rất nhiều người thấy lửa cháy đang liếm dần lên tầng của mình, đã nhảy tự tử từ trên cao 300-400m vì biết không thể thoát. Trước khi chết, họ cũng căm thù tột độ những kẻ khủng bố cũng không kém so với ông cậu khi nhìn bom rơi xuống làng tôi mấy chục năm trước.

Người New York, thấy hai tòa tháp từ từ sụp xuống như que kem bị nắng hè làm tan chảy, vô cùng căm hận 19 tên cướp 4 máy bay. Tòa tháp đôi (Twin Towers) "phẳng" như bình địa (Ground Zero)

Bin Laden tính toán rất kỹ để đạo diễn vụ này. 11/9/2001 rơi vào thứ 3, máy bay ít người đi lại, hành khách chống trả sẽ yếu hơn. Vừa cất cánh nên rất nhiều xăng đủ thiêu đốt tòa nhà hàng trăm tầng. Tháng 9 mùa thu nước Mỹ, trời trong xanh và nắng vàng rực rỡ, quay tivi hay chụp ảnh thật tuyệt diệu.

Máy bay đầu lao vào tòa nhà phía Bắc, chiếc sau chậm khoảng 15 phút, đủ thời gian cho các hãng thông tấn tới quay cảnh tòa nhà đang cháy. Chiếc thứ hai đâm vào tòa tháp phía Nam trước các ống kính ti vi đã lắp sẵn sàng để truyền hình trực tiếp cú lao khủng khiếp.

911 cũng là số gọi cảnh sát hay chữa cháy. Bên Mỹ, tháng ghi trước ngày nên mới có 9/11, nghĩa là ngày 11 tháng 9. Nhắc đến 911 nghĩa là nhắc đến nỗi đau khôn nguôi của người Mỹ.

Một đồng nghiệp kể về ngày tuyệt vọng đó tại Washington DC trong tòa nhà cách Nhà Trắng đúng một phố. Vừa ngồi vào bàn làm việc thì ai đó hoảng hốt báo một máy bay hành khách lao vào tòa tháp đôi ở New York. Cả nhóm sang xem ti vi mà không biết chiếc United Airlines 175 đang tới. Anh nhìn thấy chiếc máy bay đâm vào tòa nhà, khối lửa bùng lên trên ti vi do CNN quay trực tiếp.

Vì chuyện xảy ra ở New York nên Washington DC cách xa 500km không cảm thấy ngay. Các anh đang đứng bàn tán chợt nghe tiếng còi rú inh ỏi ngoài đại lộ Pensylvania, Lầu Năm góc bị tấn công. Khói đen bay cao ngất trời. Mục tiêu tiếp theo có thể là Nhà Trắng cách đó một phố. Anh cảm thấy chưa chắc còn sống để quay về nhà với các con.

Hàng chục ngàn nhân viên vội ra lấy xe ở gara để về. Nhưng khi đó đã quá muộn. Đường phố Washington DC chật cứng. Từ gầm gara lên đến đường vài chục mét, anh đợi khoảng 6 tiếng. Con nhỏ ở trường không ai đón.

Nước Mỹ hỗn loạn, người nào cũng im lặng, vẻ mặt thất thần. So với trận ném bom của Mỹ năm 1968 ở Việt Nam hay lụt do vỡ đê của dân cố đô Hoa Lư đó, sự hoảng loạn tại thủ đô Hoa Kỳ cũng không khác mấy.

Với cậu tôi ở Trường Yên, bạn đồng nghiệp hay người thân của gần 3.000 linh hồn đã chết oan uổng dưới đống tro tàn của Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm góc hay chiếc máy bay rơi ở Pensylvania thì những kẻ gây ra tội ác đáng bị treo cổ.

Tại sao còn có người Việt Nam ghét đế quốc Mỹ. Xin hỏi cậu tôi và những người bị mất mát trong chiến tranh.

Tại sao cả nước Mỹ căm thù Bin Laden và đồng bọn. Xin hỏi những người đã sống qua ngày 11/9 trong sự hoảng loạn đến tột cùng.

Tại sao một số dân Palestine lại hân hoan vào ngày 11/9? Xin đến bờ Tây, Dải Gaza xem họ sống như tù nhân trên chính tổ quốc mình.

Nước Mỹ thay đổi sau khi người lính cuối cùng rút khỏi Sài Gòn năm 1975. Cú đâm máy bay vào tòa tháp đôi và Lầu Năm góc của Bin Laden đã thay đổi cả thế giới.

Tổng thống Nixon muốn Việt Nam đầu hàng, nhưng phải ngồi vào hội nghị Paris, để cuối cùng rút chạy trong cay đắng. Tổng thống Bush định đưa thế giới từ đa cực thành đơn cực do Mỹ làm bá chủ nhưng thất bại. Quốc gia Nga hay cạnh tranh với Mỹ đã không còn mạnh như trước, nhưng cùng lúc đó, Trung Quốc và Ấn Độ lại trỗi dậy.

Tìm cách tiêu diệt hết kẻ thù để không còn khủng bố như Bush muốn là không thể. Giải tán Taliban ở Afganistan, treo cổ Sadam Hussen tại thành Baghdad lại có những thế lực khác thích máu đổ lại nổi lên.

Khi những kẻ thông minh dùng trí não cho việc giết đồng loại thì rất đáng sợ. Bin Laden đạo diễn vụ tấn công nước Mỹ là một minh chứng. Basayev tổ chức tấn công trường học Beslan ở Nga có kịch bản tương tự, giết càng nhiều càng tốt.

Để cho sự kiện đau đớn như 11/9 hay chiến tranh Việt Nam không xảy ra, cần có tầm nhìn nhân loại. Nếu chỉ nhìn thấy biên giới quốc gia, như cậu tôi thấy lũy tre quanh làng ở Hoa Lư, hay đồng nghiệp nhìn qua hàng rào nhà mình bên DC, chắc chắn còn xung đột.

Thế giới phẳng cần lãnh đạo “phẳng”, chính trị “phẳng”, chiến lược “phẳng”, nghĩa là tìm ra giải pháp đôi bên hay nhiều bên cùng có lợi. Cách tiếp cận “trạng chết chúa cũng băng hà” để tìm cách "san phẳng" nhau chỉ mang lại thêm đau khổ. Khăng khăng cái “lưỡi bò” làm của riêng thì nhất định sẽ còn hàng xóm thù địch lẫn nhau.

Bàn về 11/9, người đồng nghiệp đã bình tâm hơn. Anh nói, giá như mọi người biết đặt quyền lợi của mình trong cái chung, sẽ không có thảm họa. Nếu nghĩ đến cả cộng đồng thì ai cũng là người chiến thắng. Vơ vét cho riêng mình sẽ tự tiêu diệt. Cộng đồng toàn những kẻ tham lam, bạc bẽo, ngày kia sẽ tàn lụi.

Xa hơn nữa là tầm quốc gia và toàn cầu. Nghĩ đến “của mình, nước mình” thì thảm họa kiểu 11/9 hay chiến tranh Việt Nam tương tự sẽ còn, mà kẻ ích kỷ gây ra chưa chắc đã thoát bị trừng phạt, bằng cách này hay cách khác, dưới dạng này hay dạng khác.

Chỉ có điều, người lương thiện như cậu tôi, bạn tôi, người viết bài và kể cả độc giả sẽ bị thiệt thòi nhất. Bài học 11/9 với Twin Tower bị "san phẳng" thành Ground Zero hay cuộc ném bom "san phẳng" Việt Nam còn đó mãi với nhân loại.

*
Hiệu Minh
http://vietnamnet.vn/thegioi/binhluan/2009/09/868084/

Bean & Harry





Saturday, September 12, 2009

Harvard bàn về khủng hoảng giáo dục đại học VN (phần 1)

Quy mô của cuộc khủng hoảng

Rất khó để phóng đại tính chất nghiêm trọng của những thách thức đang đặt ra với Việt Nam trong giáo dục đại học - cao đẳng (ĐH - CĐ). Chúng tôi tin rằng nếu không có một sự cải cách khẩn cấp và căn bản đối với hệ thống giáo dục ĐH - CĐ, Việt Nam sẽ không đạt được đúng mức tiềm năng to lớn của mình [1].

Sự phát triển kinh tế ở Đông Á và Đông Nam Á đã cho thấy quan hệ mật thiết giữa phát triển và giáo dục ĐH - CĐ. Cho dù trong các nước và vùng lãnh thổ thịnh vượng nhất ở khu vực – Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, và gần đây là Trung Quốc - mỗi nơi đều đi theo những con đường phát triển độc đáo, nhưng điểm chung trong thành công của họ là sự theo đuổi nhất quán một nền khoa học và giáo dục ĐH – CĐ chất lượng cao.

Một số nước tương đối kém thành công hơn ở Đông Nam Á – Thái Lan, Philippines và Indonesia - lại là một câu chuyện mang tính cảnh báo. Những nước này nói chung đã không đạt được chất lượng cao trong khoa học và giáo dục ĐH – CĐ và họ đã thất bại trong việc phát triển những nền kinh tế tiến bộ. Đó không phải là một điềm tốt cho tương lai nếu các trường đại học Việt Nam tụt hậu xa so với chính những láng giềng Đông Nam Á không mấy nổi bật của họ.

Việt Nam không có một trường đại học nào có chất lượng được công nhận. Không có một cơ sở nào của Việt Nam có tên trong bất cứ danh sách được sử dụng rộng rãi nào (nếu nhận định trên còn chưa rõ ràng) tập hợp các trường đại học hàng đầu ở châu Á. Về phương diện này thì Việt Nam khác xa với cả những nước Đông Nam Á khác, hầu hết các nước này đều có thể kiêu hãnh về ít nhất một vài cơ sở có đẳng cấp. Các trường đại học Việt Nam phần lớn bị cô lập khỏi các dòng chảy kiến thức quốc tế [2], như những gì thể hiện qua số liệu nghèo nàn tại thống kê dưới đây:



Nguồn: Science Citation Index Expanded, Thomson Reuters

Các trường đại học Việt Nam chưa sản sinh được lực lượng lao động có trình độ như đòi hỏi của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Các cuộc điều tra do các hiệp hội thuộc Chính phủ thực hiện cho thấy khoảng 50% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam không tìm được việc làm đúng chuyên môn, một bằng chứng cho thấy sự thiếu liên kết nghiêm trọng giữa giảng dạy và nhu cầu của thị trường. Với hơn 25% chương trình học ở đại học là dành cho các môn bắt buộc quá nặng về tuyên truyền chính trị, không phải băn khoăn nhiều về việc sinh viên Việt Nam được trang bị rất kém cho cả việc đi làm lẫn việc đi du học.

Có thể lấy việc Intel tìm cách thuê tuyển kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ ở thành phố HCM làm ví dụ minh hoạ. Khi công ty này thực hiện một cuộc kiểm tra đánh giá theo tiêu chuẩn với 2.000 sinh viên CNTT Việt Nam, chỉ có 90 ứng cử viên, nghĩa là 5%, vượt qua cuộc kiểm tra, và trong nhóm này, chỉ có 40 người có đủ trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu tuyển dụng. Intel xác nhận rằng đây là kết quả tệ nhất mà họ từng gặp ở những nước mà họ đầu tư.

Các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế cũng cho rằng việc thiếu các công nhân và quản lý có kỹ năng là cản trở lớn nhất đối với việc mở rộng sản xuất. Chất lượng nghèo nàn của giáo dục đại học còn có một ngụ ý khác: đối lập với những người cùng thế hệ ở Ấn Độ và Trung Quốc, người Việt Nam thường không thể cạnh tranh được để lọt qua những khe cửa hẹp của các chương trình đại học cao cấp ở Mỹ và châu Âu.



Nguồn: World Intellectual Property Organization, 2008 Statistical Review

Nguyên nhân khủng hoảng

Di sản lịch sử

Những vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt trong giáo dục ĐH – CĐ hiện nay là một phần hậu quả của lịch sử hiện đại của đất nước này. Chế độ thực dân Pháp cai trị Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 19 đến tận năm 1945 đầu tư rất ít ỏi vào giáo dục cấp ba, thậm chí là so với các cường quốc thực dân khác. Hậu quả là, Việt Nam đã bỏ lỡ làn sóng cải cách thể chế trong giáo dục ĐH – CĐ tràn qua phần lớn khu vực châu Á đầu thế kỷ 20. Trong giai đoạn này, rất nhiều cơ sở giáo dục ĐH – CĐ hàng đầu của khu vực đã được thành lập. Hậu quả là sau khi giành độc lập, Việt Nam chỉ có một nền tảng thể chế rất yếu để từ đó xây dựng lên. (Điều này trái ngược hẳn với Trung Quốc, hầu hết các trường đại học đầu bảng của nước này hiện nay đều được thành lập vững chắc từ trước cách mạng).

Quản lý

Nguyên nhân trực tiếp nhất của cuộc khủng hoảng ngày nay là sự thất bại ngiêm trọng trong quản lý. Các trường đại học có chất lượng, từ Boston đến Bắc Kinh, đều có những nhân tố chủ chốt nhất định mà Việt Nam hiện đang rất thiếu [3].

Tự trị: Các cơ sở học thuật ở Việt Nam vẫn chịu một hệ thống quản lý tập trung hoá cao độ. Chính quyền trung ương quyết định số lượng sinh viên các trường được phép tuyển, và (trong trường hợp các trường đại học công lập) lương trả cho các giảng viên đại học. Ngay cả những quyết định mang tính thiết yếu đối với việc vận hành một trường đại học như việc lập khoa cũng do hệ thống quản lý tập trung hoá này kiểm soát. Hệ thống này hoàn toàn không khuyến khích các trường và học viện cạnh tranh hay đổi mới. Thù lao được trả căn cứ vào thâm niên, và lương cứng thấp đến nỗi các giảng viên đại học phải “đi đêm” rất nhiều để có thể đảm bảo cuộc sống. Khác hẳn với Trung Quốc, Việt Nam vẫn chưa thực sự khuyến khích người Việt Nam học ở nước ngoài.

Lựa chọn dựa trên thành tích: Tham nhũng lan tràn và việc mua bán bằng cấp, học hàm, học vị là rất phổ biến [4]. Các hệ thống nhân sự đại học đều mù mờ và việc bổ nhiệm thường dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật như thâm niên, lý lịch gia đình và chính trị, và các mối quan hệ cá nhân. Các khoa và các cấp hành chính cao hơn có xu hướng do các cá nhân từng được đào tạo ở Liên Xô hay Đông Âu nắm giữ, những người này không nói được tiếng Anh và, trong không ít trường hợp không mặn mà với các đồng nghiệp trẻ được đào tạo ở phương Tây.

Các mối liên hệ và tiêu chuẩn quốc tế: Sản sinh kiến thức là việc của một doanh nghiệp không biên giới, nhưng các cơ sở học thuật ở Việt Nam lại thiếu những mối liên hệ quốc tế có ý nghĩa. Trên thực tế, các học giả trẻ được đào tạo ở nước ngoài thường xuyên lấy lý do để tránh làm việc trong các cơ sở học thuật ở Việt Nam là họ lo sợ không thể gắn bó với lĩnh vực của mình. Như GS. Hoàng Tụy miêu tả, giới học thuật Việt Nam rất hướng nội và không đánh giá bản thân theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Trách nhiệm giải trình: Các trường đại học Việt Nam không chịu trách nhiệm trước các cổ đông bên ngoài, và đáng trách là trong đó có cả những người tuyển dụng. Trong nội bộ hệ thống công lập, việc rót vốn không liên quan đến công việc hay chất lượng theo bất cứ hình thức đáng kể nào. Tương tự, kinh phí nghiên cứu của Chính phủ cũng không được cấp một cách có cạnh tranh mà chủ yếu được coi là một hình thức bổ sung lương. Vì có quá nhiều người thèm muốn những cánh cửa hẹp vào các trường đại học - chỉ 1/10 người Việt Nam ở độ tuổi học đại học được tuyển sinh vào các trường sau phổ thông – nên các trường đại học Việt Nam không phải chịu áp lực đổi mới nào. Họ có một thị trường bị giam cầm, vì du học chỉ là sự lựa chọn của một thiểu số rất nhỏ.

Tự do học thuật: Ngay cả khi so sánh với Trung Quốc, các trường đại học ở Việt Nam cũng thiếu động lực tri thức ở một mức độ đáng kể. Ngay cả khi các trường đại học đang dần được phép nới lỏng hơn, vẫn có một mạng lưới các kiểm soát và kiềm chế chính thức và không chính thức để đảm bảo rằng các trường đại học vẫn tiếp tục suy tàn về tri thức trong khi các cuộc tranh luận trong xã hội ngày càng sôi nổi hơn.

Có một số ẩn ý trong luận điểm trên. Trước hết, rào cản chính đối với việc cho ra những kết quả cải thiện hơn trong giáo dục ĐH – CĐ lại không phải là chuyện tài chính. Trên thực tế, tính theo tỉ lệ trong GDP, Việt Nam chi nhiều cho giáo dục hơn nhiều nước khác trong khu vực. Con số này còn chưa tính đến số tiền lớn mà chính các gia đình Việt Nam đầu tư vào giáo dục cho con cái họ, ở nhà và ở nước ngoài. Nhưng tiêu tiền như thế nào lại là chuyện khác.

Thứ hai, đầu tư vào du học vẫn chưa đủ để cải thiện hệ thống. Nếu môi trường chuyên môn không được đại tu, sẽ không có nhiều người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài muốn quay về làm công tác giảng dạy.

* Phần 2: Đối phó

*
Đại An dịch

----------

1. Để có sự phân tích hệ thống và so sánh về những thách thức chính sách đối với Việt Nam, xem “Choosing Success: The Development of East and Southeast Asia and Lessons for Việt Nam”, tại: http://www.innovations.harvard.edu/showdoc.html?id=98251.

2. Hệ thống đại học Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ hệ thống học thuật của Liên Xô, trong đó các trường đại học về cơ bản là các cơ sở giảng dạy, còn nghiên cứu là việc của các viện nghiên cứu. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học nhưng chưa thành công, nguyên nhân có nêu dưới đây. Theo Bảng 1, các viện nghiên cứu của Việt Nam cũng không hoạt động tốt lắm.

3. Phân tích của chúng tôi về những thất bại trong quản lý của Việt Nam chịu ảnh hưởng từ những tìm hiểu của Task Force về giáo dục ĐH – CĐ, do WB và UNESCO tập hợp, do GS. Henry Rosovsky của ĐH Harvard và GS. Mamphela Ramphele của ĐH Cape Town làm đồng chủ tịch. Trong báo cáo cuối cùng của mình, Peril and Promise: The Challenges of Higher Education in Developing Countries, Task Force kết luận rằng quản lý là rào cản cơ bản phổ biến đối với việc đạt được những kết quả tốt. (Có tại http://www.tfhe.net). GS. Rosovsky là cố vấn của Viện Ash trong các hoạt động liên quan đến cải cách thể chế ở Việt Nam.

4. Cần phải nhấn mạnh rằng một trong những thành tố của hệ thống đại học giúp nó không bị tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu làm cho què quặt là các kỳ thi tuyển sinh đại học. Chính phủ phải huy động rất nhiều nguồn lực đáng kể để đảm bảo quá trình thi cử không có gian lận. Kết quả là, những sinh viên được nhận vào học là những sinh viên tài năng và nhiều người có thể thành công trong việc bổ sung cho các giáo trình cũ kỹ bằng cách tự học.

http://tuanvietnam.net/vn/harvard/7962/index.aspx

Friday, September 11, 2009

Giáo dục 'bước qua lời nguyền để 'đối mặt với tương lai'?

Trong nhiều trang viết, từ tập truyện "Bước qua lời nguyền" hay những bài báo: Trẻ con, Thiên đường đầu tiên, Đối mặt với tương lai..., sự thật của giáo dục hiện lên qua ngòi bút nhà văn Tạ Duy Anh trần trụi, nghiệt ngã, cay đắng. Dẫu vậy, vẫn thấm đượm chất nhân văn và những hy vọng về ngày mai.
Câu chuyện của anh với VietNamNet về những sự kiện đau lòng của ngành giáo dục diễn ra gần đây cũng phảng phất dư vị đó.
Những hành động như tạt axit, đánh trọng thương hoặc dọa giết thầy cô như báo chí nêu không thể được bao biện bằng bất cứ lý do nào.
Nhưng cũng không khó để liệt kê những chuyện ở phía ngược lại: cô giáo bắt hàng chục HS đánh một HS khác cho đến chết ngất, dán băng keo làm HStử vong; bắt một đứa bé chống đẩy cho đến kiệt sức... và sự kiện mới đây nhất là hiệu trưởng bị tố vì dẫn dắt mua dâm học trò.
Cả hai cách hành xử như vậy song song tồn tại, là hậu quả tất yếu, nhà trường đã đánh mất vai trò như là một thánh đường đạo đức và đã bị vẩn đục.
Nếu ví nền giáo dục như một cái cây, thì cái cây đó từ nhiều năm không còn được vun trồng theo đúng nghĩa trong sáng nhất của từ đó.
Vun trồng, một hành vi tuyệt đẹp. Cần những tấm lòng tuyệt đẹp, những tấm lòng cao cả, những tâm hồn trong sạch. Nhưng mà những tấm lòng như vậy cứ hiếm dần, rất hiếm.

Khi trẻ con nghi ngờ người lớn...

Bây giờ mình phải nói cái gì là lỗi của nền giáo dục, cái gì là lỗi của cả xã hội. Những bài học bài học đạo đức, bài học nhân cách khô cứng, kém hấp dẫn, công thức mà trẻ con học thuộc dễ khiến cho chúng nghi ngờ người lớn. Cách giáo dục vụ lợi, quan niệm dạy những bài giảng, áp đặt những điều người lớn và xã hội muốn mà không thấy rằng, giáo dục học sinh là bằng toàn bộ hành vi của người lớn, của toàn xã hội mà người đại diện là thầy, cô.
Những không gian mà trẻ sống hoặc đặt chân đến đều phải được bắt gặp những yếu tố giáo dục trong đó. Tiếc thay, những thứ đó tìm mãi không thấy, trong khi những thứ phản giáo dục thì đầy rẫy. Chẳng hạn, những mánh múng, lừa người nọ, lừa người kia, nói dối, tham nhũng, chèn ép người thấp cổ bé họng...bố mẹ làm, tưởng là bọn trẻ không biết, nhưng mà nó biết hết. Cứ như vậy, ngấm dần. Thành thử, quy trách nhiệm cho riêng nền giáo dục về những thói xấu của bọn trẻ thì không công bằng.
Khi xã hội trở nên vụ lợi, thực dụng, tàn nhẫn, những giá trị thiêng liêng không còn được đề cao nữa thì mọi thứ đều rẻ rúng chứ đâu chỉ tình thầy trò. Nhưng nhà trường, thầy cô không thể dựa vào đó để gạt bỏ trách nhiệm.
Bởi vì nhà trường, thầy cô luôn được hưởng những siêu giá trị tinh thần từ cộng đồng và toàn xã hội. Nhà trường, thầy cô phải là bức tường kiên cố, không dễ bị để những thứ nhếch nhác thẩm thấu qua. Tiếc thay, nền giáo dục, trong đó thầy cô là đại diện, chưa bao giờ kém tin tưởng như hiện nay. Và trong khi xã hội không quan tâm đến cái cây giáo dục thì nhiều nhà trường cũng bỏ mặc nó.

Những thù lao giá đắt

Không thiếu những hành vi như ngày 20/11, ngày lễ, ngày tết...bố mẹ học sinh đến biếu xén thầy cô, gặp thầy cô vì điểm chác, thành tích. Khi những tình cảm yêu thương bị vật chất hoá, bị thô tục hoá, bị mục đích hoá thì thầy dưới mắt cha mẹ học sinh không khác gì một quan lại, còn phụ huynh thì đóng vai trò của những lái buôn.

Có bao giờ, lái buôn bước vào cửa quan lại bằng tình cảm thiêng liêng, cho dù miệng luôn nói như vậy? Những món quà khi đó trở thành những vật đổi chác lạnh lùng.
Vậy mà, những chuyện đó diễn ra năm này sang năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác, suốt một đời học trò từ lớp 1 cho đến khi học đại học. Những đứa trẻ như vậy mà không tàn nhẫn, lạnh lùng... mới là chuyện lạ.
Khi quan hệ giữa học sinh và thầy cô giáo trở thành quan hệ mua bán thì việc bắt chúng nó phải coi người đó như là những bậc thầy, như những bậc cha mẹ tinh thần, thật khó mà công bằng.

Làm thầy khó lắm. Nếu mà hiểu đúng chữ thầy thì làm thầy còn khó hơn là làm cha. Xã hội không minh bạch làm thay cho các thầy những điều đó, khiến chính thầy cô cũng phải nói dối. Học thêm, dạy thêm, bày ra chuyện nọ chuyện kia, khoản này khoản kia là hình thức thầy cô phải chống lại thực tế nghèo khó so với những người giầu có đầy rẫy xung quanh mình.
Số tiền mà cha mẹ học sinh phải bỏ ra cho những việc thêm nếm trá hình như vậy-thực chất là trả thù lao miễn cưỡng cho thầy, suy cho cùng, không phải quá lớn so với nhiều khoản chi khác. Số tiền thầy nhận cũng không ghê gớm gì so với thu nhập của nhiều đối tượng khác.
Nhưng tất cả chúng ta, trong đó có cả các thầy cô bị trả thù lao rất đắt cho việc phải học lại những điều đơn giản nhất là phải làm một người đàng hoàng. Dạy trẻ con nói dối, tạo ra một thế hệ mang ơn giả vờ thì hậu quả không thể lường được đâu.
Một đứa trẻ con nó cầm cái đinh vạch thẳng lên vỏ chiếc ô tô đắt tiền, phá huỷ tài sản người khác, phá huỷ một cách rất thích thú thì không thể bảo nó là đứa không có giáo dục, mà là mình không giáo dục cho nó, mình không dạy cho nó việc làm như thế là đáng xấu hổ.
Ai làm điều đó, khi mọi người còn mải kiếm tiền bằng mọi giá để chứng tỏ mình có giá, kể cả các thầy cô? Giáo dục là nguyên nhân hay "nạn nhân"? Để mà phân tích ra thì có rất nhiều nguyên nhân rất nhiều hệ quả, hệ quả này cứ giằng kéo hệ quả kia.
Để thoát cái mớ bòng bong này thì phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và lòng dũng cảm. Chính bản thân chúng ta đã đẩy nhau đến chỗ bây giờ quay lại là rất khó. Một ví dụ đơn giản là tại sao khi HS của mình ra nước ngoài, vẫn là em ấy, nhưng khi trở về, tất cả những hành vi đều khác, văn minh hơn hẳn và cái phản ứng trước xã hội nó cũng khác. Nó vừa tự tin nhưng không kiêu ngạo. Tôi không muốn nói đến từ tuyệt vọng. Nhưng ngay bây giờ, tôi chưa thấy loé lên chút hy vọng nào ở cuối đường hầm. Mà sao lại hỏi tôi một vấn đề không chỉ của cả đất nước hiện tại mà còn của cả đất nước trong tương lai như vậy?

Thời tôi đi học

Có lẽ, cái thời của tôi là cái thời ở ranh giới cuối cùng của một sự trong sáng trong quan hệ thầy trò. Ở trong nhà trường lúc đó, nhắc đến tiền thì thấy rất xấu hổ.
Ngay bản thân bọn tôi ,muốn tặng thầy một cái gì làm kỉ niệm cứ thậm thà thậm thụt, không biết làm thế nào để bày tỏ với thầy rằng em tặng thầy bởi vì em quý thầy. Tức là mình phải làm cho ý nghĩa của món quà ấy nó là tinh thần.

Bọn tôi đi ngoài đường, gặp thầy phải chuẩn bị áo xống, đầu tóc từ rất xa, đang đi xe phải xuống từ rất xa, chờ thầy đến chào xong thì mới lại dám lên xe đi tiếp. Chúng ta đi lên từ nghèo khó, cho nên phấn đấu để sung túc về vật chất có giá trị nhân bản của nó. Trong sạch mà nghèo khó thì cũng chẳng hay ho gì, nói khác đi, cứ lấy lý do giữ trong sạch để cỗ vũ sự nghèo khó là nhẫn tâm.
Thế nhưng từ nghèo khó, từ cái chỗ nhắc đến tiền là đỏ mặt, từ cái chỗ mà giáo dục trẻ con ghét đồng tiền cho đến chỗ mắt sáng lên khi nói đến tiền, không nói ra mồm nhưng vẫn coi tiền là tất cả, tiền là chìa khoá vạn năng, tiền là tiêu chí để đánh giá sự thành đạt thì lại là chuyện khác. Tôi nghĩ thế này này, một xã hội chuyển đổi thì nó đều giống nhau, nó đều phải đi qua những bước như vậy. Chỉ có điều rằng cái tác nhân để nó đảm bảo cho cái xã hội đấy vẫn trong cái khuôn đạo đức chính là sự trung thực. Chúng ta làm hỏng - nếu chưa hỏng thì cũng sẽ hỏng- làm mọi thứ thành ra nguy hiểm, đáng sợ chính vì tạo hẳn ra cộng đồng chỉ quen nói dối.
Nói dối được coi như một hành vi khôn ngoan. Không thể nói thật thì rất nguy hiểm. Càng sung túc về vật chất càng nguy hiểm.

Đối mặt với tương lai

Tôi đang nghiền ngẫm viết một chuyên luận: Người Việt hư hỏng từ bao giờ và vì cái gì? Người Việt Nam mình, nếu tin vào lịch sử, không đến mức như thế đâu, đặc biệt văn hoá phương Đông có nhân tố Phật giáo, lại càng không khuyến khích sự dối trá.

Bây giờ cái xấu có quá nhiều nơi để ẩn nấp, cái xấu có quá nhiều khu vực sẵn sàng che chở, cái xấu có đầy đủ tiêu chí để trở thành cái an toàn.
Dần dần, đám đông sẽ tạo ra cái luật gọi là "luật khôn ngoan" và mọi người chả dại gì mà bị nằm ngoài số những người khôn ngoan.

Phản ứng HS tạt axit thầy giáo không phải là cái phản ứng chống lại nền giáo dục, mà nó chống lại điểm tốt cuối cùng của nền giáo dục -hoặc một trong những điểm tốt hiếm hoi của nền giáo dục.

Tạ Duy Anh

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/09/868153/

Tuesday, September 8, 2009

Wednesday, September 2, 2009

Lớp trưởng...kiểu Đức

Tôi có cháu gái đằng vợ tên là Thanh Hòa. Từ ngày học mẫu giáo, cháu vốn khoẻ mạnh, cứng cáp và thông minh. Khi cả bọn cùng lứa với kéo nhau lên lớp 1 trường Phan Phù Tiên, quận Thanh Xuân, Hạnh đương nhiên vẫn là đầu đàn, là lớp trưởng.

Gặp nhau năm Hòa lên lớp 2, vẫn với thành tích học tập tốt, vẫn lớp trưởng, qùa thưởng dịp đó rất to. Vui chuyện, hỏi cháu về nhiệm vụ lớp trưởng, Hòa bẽn lẽn: nào hô các bạn đứng dậy chào thầy cô, nào lo trực nhật, lau bảng, nhắc các bạn giữ trật tự trong lớp... nhiều lắm!

- Thế khi gặp các bạn ẩu đả, nghịch ngợm, chế diễu nhau ngoái lớp thì làm sao?- Bố Hòa hỏi chen vào.

- Thì báo cho cô chủ nhiệm biết, ạ.

- Thế lớp trưởng mắc khuyết điểm, có bạn nào mách cho cô giáo không?

- Có mà dám!

Nghe cháu trả lời, cả nhà nhìn nhau, lặng người, cười.

***********************

Phương Hiền, con gái tôi, học lớp 2 trường Friedrich-Reimann-Grundschule. Cô chủ nhiệm là bà giáo R.Lipka.

Đã vài lần gặp gỡ nên tại buổi họp phụ huynh đầu năm, từ ngoài cửa, bà đã tươi cười chào: "Lần này , ông có ý kiến gì góp cho lớp đây? Chúng ta có một giờ để trò chuyện cơ đấy!".

Khi đến lượt trao đổi trực tiếp, tôi hỏi: “Thưa bà, lớp 2A, cháu nào được chọn là lớp trưởng?”(cũng phải nói thêm do khả năng tiếng Đức mà tôi đã dùng từ “lớp trưởng” theo nghĩa hiểu của tiếng Nga, hoặc tiếng Hán Ban trưởng mà người Việt ta lâu nay vẫn hay dùng).

Thoáng một chút trầm ngâm, bà R.Lipka vui vẻ nói: “Tôi nghĩ là tôi đã hiểu câu hỏi của ông. Vì qua Phương Hiền được biết, ông từng là một đồng nghiệp. Lớp chúng tôi không có học sinh nào được chọn làm Obmann hay Chef cả. Ở tuổi cấp một, chúng còn qúa bé để phải chịụ thêm trách nhiệm về hành vi của một bạn khác, dù chỉ là nhắc nhở hoặc để ý rồi trình báo với thầy cô. Nếu phải chịu trách nhiệm thêm về một bạn khác, đứa trẻ dễ ngộ nhận nó có thêm quyền lực và ngược lại đứa bị giám sát sẽ có cảm giác yếm thế, lệ thuộc. Tất nhiên chữ “nếu” chỉ là hãn hữu, nhưng dù 1% chúng tôi cũng không cho phép xảy ra. Tôi nhận thêm lương giáo viên chủ nhiệm để chịu tòan bộ trách nhiệm về họat động của học sinh trong thời gian học tại trường. Trong lớp, mọi em đều được cô giáo phân công trách nhiệm với lớp như nhau".

Rồi bà giáo hơi mỉm cười, hỏi: “Theo ông, khi các vị phu huynh đều đóng phần thuế học cho con bằng nhau, ông có chấp nhận khi con ông bạn hàng xóm tự nhiên lại là “trưởng" của con mình không? Tất cả các vị phụ huynh của chúng tôi đều không chấp nhận, họ đòi hỏi sự công bằng. Mới vào lớp 1, lớp 2 mà đã có đứa được là "sỹ quan”, đứa là “lính" ư? Xin ông nhớ rằng, dù có tạo ra được một thủ lĩnh thì chúng ta đã đồng thời tạo ra một loạt những đứa nhút nhát và a dua, phụ thuộc thủ lĩnh. Đấy là chưa kể đứa trẻ - được tin cậy kia có nguy cơ bị nhiễm thêm thói xấu: nhòm ngó, mách lẻo, chỉ điểm... Giai đoạn đầu giáo dục cấp một, giúp hình thành chứ không nên định hình tính cách của trẻ.

R.Lipka liếc nhìn đồng hồ: “Giải đáp câu hỏi như vậy có đúng ý ông?”.

Tôi thành thật trả lời rằng rất muốn được nghe bà nói tiếp. Bà cười hiền hậu: “Tất nhiên, đề tài này phải có kết luận! Ông nên biết, khi làm đơn xin tiếp tục nghề dạy tiểu học, tôi đã bảo vệ chính đề tài này tại Hội đồng Phổ thông trung học. Tôi hiểu ngay câu hỏi của ông, vì chính chúng tôi cũng đã qua thời kỳ chuyển hoá Đông- Tây về giáo dục!”.

**************************

Từ năm lớp 5, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm với lớp vẫn nặng nề như thế. Nhưng do học sinh đã lớn lên, cứng cáp hơn, nề nếp sinh hoạt, tư duy đa dạng nên trong tổ chức của lớp có thêm một chức danh là Klassensprecher. (Xin dịch là “Phát ngôn viên của lớp”).

Vì là chức danh nên nhất định Klassensprecher phải do lớp bầu với đa số tín nhiệm (không cần sự có mặt của các thầy cô).

Mọi học sinh trong lớp đều có quyền tự ứng cử họặc vận động bè bạn bỏ phiếu cho mình. Klassensprecher là cầu nối chỉ truyền đạt những thông tin được các bạn nhờ chuyển đến thầy cô hoặc ngược lại, không được truyền những thông tin cá nhân không được nhờ. (Nếu vi phạm bị coi là mách lẻo hoặc xâm phạm đời tư!).

Đề tài “Lớp trưởng” tưởng chỉ là một bài học có tính giáo dục, làm thay đổi tư duy bảo thủ của một nhà giáo cổ hủ, giáo điều như tôi.

Không ngờ, 5 năm sau, khi Phương Hiền vào học lớp 7, tôi lại được chứng kiến sự dân chủ, công bằng và rất giáo dục trong môi trường đào tạo của con mình qua đề tài đó.

Đây là cảm xúc chính để tôi kể lại câu chuyện cho bạn đọc hôm nay:

Học kỳ hai của lớp 7B trường trung học chuyên Charles-Darwin-Oberschule (Gymnasium), quận Trung tâm – Berlin.

Chiều nay, Phương Hiền tỏ ra đăm chiêu, ngồi cắm cúi viết . Thấy con bức xúc, tôi hỏi thì được biết: Jonoar phát ngôn viên lớp 7B phải theo mẹ hồi hương về Cu-ba nên lớp cần bầu một người thay thế. Đã có ứng viên là Magir - một bạn gái da mầu gốc Phi. Magir thành thạo tiếng Pháp - môn ngoại ngữ thứ hai mà nhiều bạn học còn yếu. Magir có năng khiếu bẩm sinh về hoạt động thể dục thể thao. Lời cam kết trước các bạn khi đề nghị bỏ phiếu cho mình của Magir là "Tôi sẽ liên hệ để có sự giúp đỡ của cô giáo dạy tiếng Pháp. Mỗi tuần lớp sẽ có một buổi hội thoại chủ đề Pháp ngữ tại Thư viện quận Trung tâm. Năm nay, trong tuần ngoại khóa, nếu các bạn ở lớp đồng tình, được cô chủ nhiệm chấp nhận, lớp sẽ chọn Paris là địa điểm đi tham quan dã ngoại giáo dục. Tôi xin chuẩn bị đề cương tham quan bằng tiếng Pháp và in gửi trước cho các bạn. Bản thân tôi cam kết sẽ hợp tác với các bạn trong lớp, nâng điểm tóan lên 2,5 để điểm trung bình các môn của tôi trong năm là 2,5. Ngoài ra, về thể dục thể thao, tất nhiên học kỳ này, lớp ta phải có một tờ thông báo nóng hổi WM 2006 tại Đức".

Đọc tờ rơi cam kết của ứng viên, tôi hỏi con gái:

- Magir như vậy, Phương Hiền sẽ thế nào?

- Con thích được thử sức. Trường con chưa có bạn người Việt nào nhận chức danh này. Nhiều bạn trong lớp đề cử con. Chúng nó bảo con cần viết Rede Wahl versprechen (lời cam kết của ứng viên chức danh phát ngôn viên).

- Tự con đánh gía về mình thế nào?

- Con tự tin. Con có học lực tốt nên có thể giúp đỡ được nhiều bạn về môn Toán, Đức văn, Điạ lý, Anh văn.

Còn môn lịch sử,con có thể có thêm sự giúp đỡ của bố để giúp lại các bạn.

- Hoạt động ngoại khóa?

- Tất nhiên chọn Paris làm tuần tham quan giáo dục là tuyệt vời. Chính Magir có thể cộng tác với con và các bạn trong nhóm Tây Âu học. Có hai ngày cắm trại dã ngoại, cô giáo rất ủng hộ việc đi chơi mỏ muối Eisenach và thăm nơi Hitler đã cất giấu hàng vạn bức tranh quý của các bảo tàng chúng cướp được trong chiến tranh.

Ngập ngừng một chút, Phương Hiền thổ lộ thêm một “chi tiết tranh cử” làm tôi bật cười: “Bố ạ, cả lớp con bỏ phiếu kín về món ăn khoái khẩu nhất - 83% phiếu kín khi mở ra ghi là “PHO". Các bạn sẽ góp tiền, nhờ bố giúp con, nói chú Hoàng chuẩn bị trước, một hai lần vào thứ 7 nào đấy, cả lớp đến ăn. Sẽ rất vui phải không bố?

Chuyện “lớp trưởng" đã đến đoạn kết. Hình ảnh các ứng viên tổng thống Mỹ dốc hết trí tuệ (kéo theo cả vợ con) để thu phục nhân tâm cử tri Mỹ trong các chiến dịch tranh cử cam go, công bằng cứ hiện lên trong óc tôi.

Phải chăng chính nền giáo dục của họ ngay từ lớp 1, lớp 2 đã làm lớn dần lên những Merkel, Obama, Bush, Clinton, Schröder... cho đất nước? Lớp 7B của con gái tôi , liệu mai này có ra đời những thủ lĩnh chân chính từ Klassenspecher?

******************************

Cháu gái Thanh Hòa kể cả mẫu giáo -đến nay đã 11 năm làm lớp trưởng. Tôi thầm hỏi tương lai của “lớp trưởng chuyên nghiệp” sẽ ra sao? Có "nghề lớp trưởng" rồi, sẽ giúp cho cháu gái tôi có được lợi thế gì khi các kỳ thi sắp tới?!

(Viết nhân khai giảng năm học 2009 - 2010)

Trần Đình Ngân (Đức)

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/09/866528/

Saturday, August 15, 2009

Xây dựng đội ngũ trí thức, bắt đầu từ hành động

(QT) - Vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức trong xã hội luôn được người Việt Nam chúng ta coi trọng, luôn đặt vào vị trí hàng đầu. Không chỉ đợi đến thời kỳ xuất hiện khái niệm "nền kinh tế tri thức", người Việt mới coi trọng đội ngũ trí thức, mà ngay từ thời phong kiến, trên tấm bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám ghi danh những tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) đã nêu bật được tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, đối với giáo dục nhân tài trong việc hưng thịnh của đất nước: "...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...".

Các bậc minh triết xưa cũng đã có những nhận định trở thành chân lý cho mọi thời đại: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Có nghĩa là đất nước muốn hưng thịnh thì phải nhờ vào trí thức.

Quan niệm "nhất sỹ, nhì nông" một phần nao đó còn đúng trong xã hội ngày nay. Nhất sỹ tức là đề cao tri thức, đề cao trí tuệ. Và thực tế cho thấy rằng, đội ngũ trí thức chính là những người tiên phong để tạo ra tri thức mới, tạo ra trí tuệ mới, hoặc chí ít là đội ngũ có trách nhiệm cao nhất trong giữ gìn, truyền bá và phát huy tri thức vô tận của nhân loại.

Lược qua một vài quan niệm về tri thức và đội ngũ trí thức của người xưa và sự nhìn nhận của xã hội ngày nay thì có thể khẳng định rằng đội ngũ trí thức chính là lực lượng quan trọng đối với sự vong, thịnh của đất nước.

Tuy nhiên, quan niệm chưa đủ. Để biến quan niệm đó thành thực tế, tức là tạo mọi điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy cao nhất tri thức của mình, đóng góp vào sự hưng thịnh của dân tộc thì hoàn toàn là một vấn đề khác. Lịch sử của nhân loài đã chứng kiến rất nhiều thành quả cũng như hậu quả khôn lường trong cách sử dụng đội ngũ trí thưc.

Nhớ thời Tam quốc chí, vua Lưu Bị cai trị nước Thục nhờ sáng suốt biết thu phục nhân tâm và trọng dụng người tài, thực tâm cầu hiền, không quản đường xa, khẩn cầu Khổng Minh, một nhân tài đa mưu, túc kế ra phò tá làm quân sư. Ngược lại, Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên có công thống nhất đất nước nhưng cai trị đất nước bằng bạo quyền, đốt sách, không coi trọng trí thức, chỉ được thời gian ngắn đất nước lại hỗn loạn, phân ly.

Thời phong kiến, ở nước ta đã có biết bao bài học khi biết trọng dụng trí thức thì công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển rất hiệu quả nhờ tầng lớp trí thức lãnh đạo biết khơi dậy, hòa đồng cùng với nhân dân xả thân vì nghiệp lớn. Bài “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bài thơ Thần bất hủ của Lý Thường Kiệt xác định chủ quyền của đất nước, hay bản hùng văn lịch sử của Nguyễn Trãi :”Bình Ngô đai cáo” là minh chứng cho sự sáng suốt của các tiền nhân biết coi trọng và sử dụng trí thức là các nhà quân sự, nhà tư tưởng chiến lược của thời đại.

Hồ Chủ tịch trong những ngày đầu thành lập Chính phủ kháng chiến cũng đã từng phân vân “không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những người tài đức không thể xuất thân”. Chính Bác đã mời những nhà trí thức nổi tiếng như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của... từ bỏ chốn phồn hoa đô hội và cuộc sống nhung lụa ở các nước phương Tây, Nhật Bản về nước đi theo kháng chiến.

Tại sao những người như Giáo sư, Viện sỹ Phạm Quang Lễ (sau này được Bác đặt tên là Trần Đại Nghĩa để ghi nhận nghĩa hiệp của ông đối với cách mạng) đã từng là trí thức làm việc trong ngành chế tạo máy bay, vũ khí ở Pháp lại hồi hương, chấp nhận làm việc ở một môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn trong những ngày đầu kháng chiến, chỉ mong đóng góp một phần tri thức của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc?

Phải chăng chính vì sự ngưỡng mộ tài năng trác việt và nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay chính nhờ vào sự thu phục nhân tâm và sự cảm hóa đội ngũ trí thưc tài tình của Bác? Bác Hồ đã để lại cho chúng ta "bài học sử dụng đội ngũ trí thức" vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bài học đó vẫn còn mang tính thời sự cho đến ngày hôm nay.

Bài học về cách dụng người của Bác thật sinh động, nhưng để biến bài học đó thành hiện thực thì không những cần có những quan niệm đúng đắn mà cần có những chính sách đúng đắn đối với đội ngũ trí thức. Nói cách khác, "quan niệm đúng đắn" mới chỉ là lý thuyết, "chính sách đúng đắn" mới là động lực trực tiếp để khuyến khích sự cống hiến của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của quê hương, đất nước.

Đối với Quảng Trị, đội ngũ trí thức ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, hiện có khoảng 350 người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Trong phát biểu tại buổi gặp mặt đội ngũ trí thức toàn tỉnh lần thứ nhất ngày 27/3/2009, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận đội ngũ trí thức của tỉnh nhà "đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển quê hương, đất nước".

Tuy nhiên, nhìn một cách công bằng và khách quan thì chính sách "chiêu hiền, đãi sỹ" của tỉnh Quảng Trị trong những năm vừa qua mặc dù đã có những đổi mới nhưng chỉ mới dừng ở một vài chính sách cơ bản, chưa có một quy hoạch xây dựng, thu hút đội ngũ trí thức mang tầm quy mô và chiến lược. Sẽ là khập khiểng nếu so sánh chính sách thu hút nhân tài với các tỉnh và các thành phố lớn trên cả nước có mặt bằng kinh tế cao hơn Quảng Trị.

Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh có có chính sách xây dựng đội ngũ trí thức bằng cách gửi hàng trăm người đi đào tạo tiến sỹ tại nước ngoài và cam kết trở về phục vụ tại thành phố. Thành phố Đà Nẵng không chỉ thu hút nguồn lực từ bên ngoài mà còn quan tâm đào tạo tại chỗ đối với học sinh đang theo học tại các trường THPT trên địa bàn và gửi học sinh đi đào tạo tại các trường ĐH trong và ngoài nước bằng ngân sách thành phố. Điều đó đã thể hiện được sự quyết tâm rất lớn thông qua các chính sách có lộ trình minh bạch và lâu dài của chính quyền đối với mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức.

Chưa làm tốt chính sách thu hút nhân tài thì tình trạng "chảy máu chất xám" là điều không thể tránh khỏi. Xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh cho tỉnh nhà phải cần được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách thu hút nhân tài; các biện pháp nhằm lành mạnh hóa, tạo điều kiện tôt nhất về môi trường làm việc.

Nhìn xa hơn, hiền tài phải được hướng tới lớp trẻ, bởi họ là những người khao khát cống hiến, phục vụ cho quê hương, có khả năng tiếp thu và sáng tạo những cái mới. Tin tưởng vào lớp trí thức trẻ chính là tạo điều kiện để khơi nguồn hiền tài và làm cho họ nhận thức được vai trò và trọng trách đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.

Vì vậy, cần tạo môi trường "cạnh tranh dựa trên tri thức và năng lực thực thụ" cho trí thức làm việc, phát huy năng lực, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức, thành quả họ mang lại.

Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu cho rằng sự lớn mạnh của đội ngũ trí thức tỉnh nhà chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chủ trương, chính sách, chế độ đãi ngộ của tỉnh mà chính đội ngũ trí thức phải tự ý thức được trách nhiệm đối với quê hương, đất nước mình. Một trí thức chân chính sẽ tự biết tìm cách để luôn sáng tạo và sử dụng tri thức mình có, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự phát triển, phồn thịnh của quê hương, đất nước.

Trương Đình Thăng

http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=85&modid=389&ItemID=11149

Thursday, July 30, 2009

Saturday, July 25, 2009

25/7/2009. Tại Parliament





Một vài bức ảnh chụp tại Nhà quốc hội New Zealand. Tại Nhà quốc hội, khách du lịch có thể vào thăm viếng vô tư mà không thấy bóng dáng của chú cảnh sát nào.

Friday, July 24, 2009

PISA và giáo dục Phần Lan

PISA VÀ GIÁO DỤC PHẦN LAN


Vài nét về PISA

Vào năm 1997, các nước công nghiệp phát triển (OECD) [1] nhất trí tham gia vào một dự án xây dựng các tiêu chí, phương pháp, cách thức kiểm tra và so sánh học sinh giữa các nước OECD và các nước khác trên thế giới , được biết đến dưới tên gọi Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programe for International Student Assessment - PISA).

Tham gia vào dự án này là các chuyên gia giáo dục quốc tế hàng đầu, phối hợp với chính phủ các nước OECD. ACER, hội đồng nghiên cứu giáo dục của Úc, hỗ trợ quá trình này thông qua việc xây dựng phương pháp, quy trình điều tra, thiết kế phiếu điều tra theo chuẩn thống nhất, xây dựng chương trình kiểm tra trên máy tính, xây dựng và phát triển những phần mềm lưu giữ và phân tích số liệu. Tổng thời gian hoàn thành tài liệu điều tra là 6 giờ rưỡi, trong đó học sinh làm một bài thi viết 2 giờ. Bài thi viết gồm 2 phần: phần trả lời câu hỏi trắc nghiệm và một phần là trả lời câu hỏi viết. Học sinh trả lời phiếu điều tra về thông tin như thói quen và động cơ học tập, phương pháp học tập và các thông tin về gia đình. Giáo viên các trường trả lời phiếu điều tra về trường và tài chính của trường. Những thông tin này giúp xác định ra các nhân tố tác động tới kết quả điều tra. Sau kỳ điều tra, phải mất ít nhất một năm để phân tích, xây dựng và hoàn thành các báo cáo.

Điều tra được tiến hành ba năm một lần (lần đầu vào năm 2000) tập trung vào khả năng ứng dụng kiến thức của học sinh 15 tuổi (ở Phần Lan là học sinh lớp 9) – năm cuối của giáo dục bắt buộc - trên các lĩnh vực đọc hiểu, toán, khoa học tự nhiên, và xử lý tình huống; mỗi đợt đánh giá đặt trọng tâm vào một trong 4 môn học nêu trên (trọng tâm ở môn nào thì 2/3 số câu hỏi sẽ tập trung vào môn đó). Bốn kỹ năng này được xem là nền tảng cho học sinh trong cuộc sống. Trước khi có PISA, chưa từng có điều tra so sánh về nền giáo dục giữa các nước. Tham gia dự án này, các nước đều có chung mục đích là để hoàn thiện và chuẩn hóa nền giáo dục quốc gia nhằm tăng tính cạnh tranh để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tôn chỉ của PISA không phải là để điều tra khối lượng kiến thức học sinh học được trong nhà trường mà điều tra khả năng học sinh ứng dụng như thế nào những kiến thức học được từ nhà trường vào những tình huống ứng dụng hữu ích trong cuộc sống. Cho tới nay, PISA đã tiến hành 3 đợt đánh giá, lần lượt vào năm 2000, 2003 và 2006. Kết quả của năm 2000 và 2003 đã được công bố. Kết quả của năm 2006 sẽ được công bố vào ngày 4 tháng 12/2007 vào lúc 12h theo giờ Paris. Phần Lan đã tham gia vào tất cả các cuộc điều tra của PISA.

Năm 2000 có 265.000 học sinh từ 32 nước trong đó 28 nước OECD tham gia điều tra PISA, đặt trọng tâm vào đọc hiểu. Năm 2003 có 275.000 học sinh của 41 nước (30 nước OECD) tham gia điều tra, đặt trọng tâm vào toán học. Năm 2006 có 58 nước tham gia, tập trung vào khoa học. Kết quả điều tra năm 2006 sẽ được công bố vào cuối năm 2007. Công tác chuẩn bị cho điều tra 2009, tập trung vào đọc hiểu, đã bắt đầu được tiến hành. Đến cuối 3/2007 đã có 63 nước chính thức đề nghị tham gia và dự kiến sẽ có có thêm nhiều nước đăng ký.

PISA và Phần Lan

Phần Lan tham gia ngay từ đầu vào các cuộc điều tra của PISA. Năm 2000, có 4864 học sinh từ 156 trường của Phần Lan tham gia. Học sinh Phần Lan đứng đầu tuyệt đối về kỹ năng đọc hiểu, và trong nhóm đứng đầu về toán và khoa học tự nhiên. Năm 2000 chưa điều tra về giải quyết tình huống.

Năm 2003, Phần Lan có 5796 học sinh đến từ 198 trường khác nhau từ khắp cả nước. Phần Lan đứng đầu tuyệt đối về đọc hiểu và toán; cùng Nhật đứng đầu về khoa học tự nhiên; đứng thứ 2 sau Hàn Quốc về giải quyết tình huống.

Ngoài thành tích đứng đầu bảng xếp hạng trong cả hai đợt điều tra, có một số đánh giá trong báo cáo của OECD đã gây được sự chú ý đặc biệt của các chuyên gia giáo dục thế giới và là những tiêu chí rất khó vượt qua đối với các nước. Thứ nhất, trong tất các các môn thi sự chênh lệch trình độ giữa các sinh viên Phần Lan – giữa học sinh kém nhất và học sinh giỏi nhất - là nhỏ nhất so với các nước OECD. Nói cách khác, trình độ học sinh Phần Lan đồng đều nhất. Thứ hai, sự khác biệt về trình độ học sinh giữa các trường dự thi là rất nhỏ - trình độ giữa trường giỏi nhất và trường kém nhất là 5%, chỉ đứng sau Iceland (4%). Thứ ba, đối với các nước khác, địa vị xã hội của trường ảnh hưởng lớn tới kết quả thi. Nói cách khác, học sinh ở các trường có tiếng, trường chuyên, trường ở các thành phố lớn thì kết quả thi của học sinh ở trường đó cao hơn các trường ít danh tiếng và trường ở tỉnh, huyện. Riêng ở Phần Lan và Iceland, địa vị xã hội của trường không ảnh hưởng tới kết quả thi của học sinh và chênh lệch trình độ giữa các trường là thấp nhất. Thứ tư, hoàn cảnh gia đình (địa vị xã hội, và trình độ học vấn của bố mẹ, điều kiện kinh tế của gia đình) không ảnh hưởng đến trình độ của học sinh. Ở điểm so sánh này, Phần Lan chỉ đứng sau Iceland. Thứ 5, số giờ học ở trường của học sinh Phần Lan ít hơn nhiều so với mức trung bình của các nước OECD. Trung bình học sinh ở tuổi 15 ở Phần Lan học 30 giờ một tuần, kể cả học trong lớp và các hoạt động ngoại khóa. Trong khi đó mức trung bình của các nước OECD là 35 giờ và riêng ở Hàn Quốc là 50 giờ. Nếu tính riêng về toán thì trung bình một tuần học sinh Phần Lan học 4.5 giờ trong khi đó mức trung bình của OECD là 7 giờ. Điểm cuối cùng, so với giáo viên của OECD giáo viên Phần Lan có vai trò lớn hơn nhiều trong việc quyết định các hoạt động trong trường như chương trình giảng dạy, giáo án từng môn, sách giáo khoa, phương pháp đánh giá học sinh và các chính sách nội bộ của trường.

Tác động của PISA

Đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, kết quả điều tra PISA lần đầu tiên sau khi được công bố là một sự “cảnh tỉnh thô bạo – a rude awakening” về thực trạng nền giáo dục các nước OECD và các nước tham gia PISA. Dù ít hay nhiều, các nước tham gia PISA đều bị “sốc”, kể cả Phần Lan. Trước khi có điều tra PISA, chưa từng có một cuộc điều tra nào so sánh trình độ học sinh giữa các nước. Thực tế là các nước, đặc biệt là các cường quốc lớn như Đức, Anh, Pháp, Mỹ đều “tự hào” và cho rằng nền giáo dục của mình là ưu việt nhất, là cái nôi sản sinh ra những thiên tài, triết gia và các nhà bác học, là động lực cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, nền giáo dục của Đức - từng được xem là niềm tự hào châu Âu, là nơi sản sinh ra các vĩ nhân mọi thời đại, nhưng kết quả yếu kém sau hai lần điều tra (đứng dưới mức trung bình OECD) đã khiến toàn xã hội đứng trước tình trạng “tự vấn”. Nhiều tranh luận trong nước đồng cảm với ý kiến nhận xét có phần “chua chát” của David Gordon Smith, phóng viên báo Spiegel của Đức: “có vẻ như còn phải rất lâu nữa thì nền giáo dục lỗi thời của nước Đức ngày nay mới sản sinh ra những thiên tài như Einstein và Goethe …”. Nhận thức được thực trạng hệ thống giáo dục đã “lỗi thời”, nước Đức đã “mổ xẻ” những khuyết tật trong hệ thống giáo dục của mình, và đã đưa ra những sửa đổi căn bản hệ thống giáo dục quốc gia theo mô hình Phần Lan, đặc biệt là hệ thống giáo dục toàn diện.

Tất cả những điều này khiến giáo dục Phần Lan đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Truyền thông BBC của Anh ra hàng loạt phóng sự về hiện tượng Phần Lan. Chuyên gia giáo dục Phần Lan được mời đi hầu hết các nước OECD và ngoài OECD để thuyết trình về mô hình giáo dục của mình. Hàng trăm đoàn quan chức và chuyên gia giáo dục từ các nước OECD, đặc biệt là Đức và Anh, đổ về Helsinki để khám phá triết lý của một nền giáo dục vốn xa lạ với thế giới. Bộ giáo dục Phần Lan “quá tải” trước những đề nghị “trao đổi kinh nghiệm giáo dục” từ các nước. Để thỏa mãn tất cả những yêu cầu của các nước, một năm sau khi kết quả điều tra lần thứ hai được công bố vào cuối năm 2004, Phần Lan liên tiếp tổ chức ba cuộc hội thảo quốc tế về giáo dục trong năm 2005. Hội thảo đầu tiên tổ chức vào tháng 3/2005 chủ đề là bí quyết thành công giáo dục Phần Lan (có 300 quan chức và chuyên gia giáo dục tới từ 30 nước). Hội thảo thứ 2 tổ chức 10/2005 tập trung vào chủ đề về các nhân tố quyết định kết quả PISA của Phần Lan (có 130 quan chức và chuyên gia giáo dục tới từ 30 nước), Hội thảo thứ 3 tổ chức vào tháng 12/05 thu hút gần 500 quan chức và chuyên gia giáo dục từ 35 nước tập trung vào chủ đề những chính sách hỗ trợ học tập và phúc lợi trong giáo dục toàn diện. Ngoài các cuộc thảo luận chung, thảo luận nhóm, Phần Lan tổ chức cho tất cả các đại biểu, chia ra làm nhiều nhóm, thăm quan và dự giờ học ở các trường trong hệ thống trường học toàn diện ở Phần Lan. Nội dung của các hội thảo này được công khai trên Internet. [Mar05 --- Oct05 --- Dec05]

Trong loạt phóng sự đưa trên BBC, phóng viên cho rằng do nhận thức được rằng con đường duy nhất cho một nước nhỏ để giữ mức độ phát triển cao và duy trì nền kinh tế cần hàm lượng tri thức lớn chỉ có giáo dục chất lượng mới tạo ra được những lĩnh vực mới, việc làm mới, kỹ năng mới cho người lao động. Năm 2004, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp Phần Lan là nước cạnh tranh nhất, gọi Phần Lan là nước có “văn hóa sáng tạo”. Thành công của giáo dục là nhờ hệ thống giáo dục đồng bộ, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho học sinh từ lớp 1-9, không phân cấp như Anh và hầu hết các nước khác trên thế giới (ở Anh học sinh 11 tuổi phải chuyển cấp). Theo OECD, số giờ học ở trường đối với học sinh từ 7-14 tuổi ở Phần Lan là thấp nhất trong các nước OECD. Chi phí cho giáo dục đứng thứ 2 trong các nước OECD. Triết lý giáo dục là miễn phí và cưỡng bức bình đẳng bằng mọi giá, khác nhiều so với Anh. Độ tuổi đi học ở Anh là 5 và học nửa ngày trong khi đó Phần Lan là 7 và học cả ngày. Học sinh Phần Lan được nghỉ nhiều hơn các nước khác 10 tuần hè, giáo dục gắn trách nhiệm lớn hơn cho gia đình, nhất là thói quen đọc sách trong thời gian nghỉ hè, và được hỗ trợ bởi một hệ thống thư viện tốt nhất thế giới, qua PISA đã chứng minh là học sinh có kỹ năng đọc tốt nhất thế giới. Phần Lan nỗ lực có ý thức bảo đảm những giáo viên tốt nhất trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Chỉ trong một thời gian ngắn, Phần Lan đã chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế kỹ nghệ cao, tất cả bí quyết nằm ở giáo dục. Loạt phóng sự này được đăng tải trên trang web của BBC

Một số đặc điểm và triết lý của hệ thống trường học toàn diện

Hệ thống trường học toàn diện (comprehensive schools) bắt đầu được thực hiện từ những năm 1970s, chấm dứt hoàn toàn việc phân loại học sinh, thi chuyển cấp, và hai hệ thống trường học song song (parallel system) (cấp 1 và 2) như ta và đa số các nước khác. Từ đó cho tới nay, hệ thống được dần hoàn thiện và tới năm 90s áp dụng cho toàn bộ học sinh trong độ tuổi, kể cả những học sinh khuyết tật hoặc thiểu năng trí tuệ.

Bắt đầu từ 7 tuổi học sinh Phần Lan bắt đầu học trong hệ thống trường học toàn diện. Trước khi học lớp 1, học sinh học trong các trung tâm chăm sóc trẻ em (day care centre) và tất cả học sinh 6 tuổi học một năm dự bị tiểu học (pre-school), có thể học trong các trung tâm chăm sóc trẻ (day care centre) hoặc học ngay trong hệ thống trường học toàn diện. Theo đó, trong vòng 9 năm học (từ lớp 1 tới lớp 9) học sinh sẽ được học trong một trường, cùng một lớp, với thầy cô giáo trong cùng một trường và với bạn bè cùng lứa. Chín năm học trong hệ thống trường học toàn diện, theo luật, là giáo dục bắt buộc. Sáu năm đầu, học sinh được học với giáo viên đứng lớp (class teacher). Giáo viên đứng lớp dạy toàn bộ hoặc phần lớn các môn. Ba năm cuối, học sinh sẽ học với giáo viên bộ môn (subject teacher).

Khác với hệ thống song song – ba năm một lần hoặc sáu năm một lần sàng lọc học sinh theo trình độ, đa số dựa trên hệ thống chấm điểm kiểm tra các môn học - Phần Lan tin rằng con người sinh ra, trừ những trường hợp có khuyết tật bẩm sinh và tài năng thiên bẩm thuộc thiểu số không đáng kể, còn lại đa số có trình độ như nhau. Học sinh cần có cơ hội học tập tốt nhất và bình đẳng với nhau; việc sàng lọc phân loại học sinh theo điểm số trong thời gian này theo khoa học là quá sớm và sẽ làm thui chột các tài năng. Thời gian học tập đầu đời là quan trọng nhất và giáo viên là yếu tố quyết định. Để có một nền tảng đủ vững, có đủ tự tin, hoài bão và năng lực tự lựa chọn các ngành học cao hơn, học sinh cần nhận được sự đầu tư tốt nhất. Cùng những năm 70s, Đức và Phần Lan cải tổ giáo dục, mặc dù có tham khảo mô hình của nhau, song mỗi nước theo cách riêng của mình. Sau 30s năm, đặc biệt sau PISA, nước Đức đã phải thừa nhận mô hình của Phần Lan đem lại kết quả vượt trội.

Hệ thống giáo dục toàn diện là vì sự phát triển con người (human development). Hoàn thành chương trình giáo dục toàn diện, học sinh có được trình độ như nhau, nhưng bước đầu đã có sự phân loại về năng khiếu. Hệ thống toàn diện bảo đảm cho học sinh ngoài kiến thức (knowledge) cơ bản, học sinh được học các kỹ năng (skills) để áp dụng các kiến thức vào thực tế. Ngoài các môn học bắt buộc (toán, lý, hóa, khoa học…) học sinh dần dần được quyền lựa chọn các môn học phụ. Trong sáu năm đầu học sinh học theo các môn do bộ giáo dục quy định (subject-based), chưa có nhiều quyền lựa chọn. Tuy thế, do ngôn ngữ được xem như là kỹ năng cơ bản nhất, bắt đầu vào lớp ba (10 tuổi), lần đầu tiên học sinh (với sự hỗ trợ của cha mẹ và giáo viên tư vấn) được quyền lựa chọn hoặc là học ngôn ngữ chính thứ hai (tiếng Thụy Điển) hoặc là ngoại ngữ (tiếng Anh). Vào lớp 7 (14 tuổi) học sinh bắt buộc phải lựa chọn một ngôn ngữ thứ ba (nếu đã chọn tiếng Anh thì bắt buộc phải học tiếng Thụy Điển). Và tới hết chương trình bắt buộc (17 tuổi), học sinh đã thạo ba thứ tiếng Phần Lan, Thụy Điển và tiếng Anh. Bắt đầu từ lớp sáu, học sinh bắt đầu học theo các khóa học (course-based). Từ thụ động (subject-based), hệ thống course-based cho phép học sinh dần dần chủ động hơn trong việc lựa chọn các môn học theo sở thích. Ngoài các course bắt buộc theo quy định toàn quốc (như toán, lý, hóa, khoa học…), 20% số giờ học dành cho các môn do học sinh tự chọn. Một năm học, trong tổng số trung bình 30 courses, học sinh có thể học 6 courses tự chọn (ví dụ như vi tính, làm website, nấu ăn, thiết kế thời trang, nhạc, họa, các môn thể thao…). Có khoảng 20 courses tự chọn khác nhau cho mỗi năm học. Hệ thống được thiết kế sao cho càng học lên cao, học sinh càng có nhiều quyền tự do lựa chọn.

Cùng với việc chuyển sang hệ thống giáo dục toàn diện, một thay đổi quan trọng mang tính quyết định thành công giáo dục Phần Lan hiện nay là việc đào tạo giáo viên dạy trong hệ thống giáo dục toàn diện chuyển hoàn toàn sang cho các trường đại học. Trước đó, giáo viên được đào tạo trong trường sư phạm (như ta hiện nay). Chuyển việc đào tạo giáo viên sang các trường đại học cho phép các khoa trong trường đại học chọn được những sinh viên chuyên khoa xuất sắc nhất, có tâm huyết nhất để đào tạo trở thành giáo viên. Thay vì tuyển sinh đại trà vào các trường sư phạm, các chuyên khoa toán, lý, hóa, sinh, khoa học… có điều kiện lựa chọn những sinh viên xuất sắc nhất để đào tạo trở thành giáo viên đứng lớp, giáo viên bộ môn, giáo viên đặc biệt hoặc chuyên gia tư vấn. Trên thực tế, chỉ 10% số sinh viên đăng ký được chọn để học trở thành giáo viên. Thay vì đào tạo tại trường sư phạm, giáo viên được đào tạo tại khoa đào tạo giáo viên phối hợp với các các chuyên khoa trong trường đại học.

Chi phí cho hệ thống trường học toàn diện của các trường do chính phủ bao cấp. Học sinh trong hệ toàn diện (và toàn bộ hệ thống giáo dục) được học hoàn toàn miễn phí. Trường học có trách nhiệm cung cấp sách vở, giáo trình, bút viết miễn phí cho học sinh. Tất cả các trường học có hệ thống nhà ăn riêng theo tiêu chuẩn quy định bảo đảm ăn trưa miễn phí và các dịch vụ y tế miễn phí ngay tại trường. Học sinh bình thường được hưởng trợ cấp trong việc sử dụng dịch vụ công cộng (xe bus, xe điện, tàu điện, tàu điện ngầm). Theo luật, những học sinh cách trường học quá 5 km và các trường hợp ốm mệt đột xuất sẽ được taxi của nhà nước hàng ngày đưa tới trường.

Hệ thống toàn diện ở Phần Lan cũng có nghĩa là học sinh nhận được cơ hội học tập như nhau, với chất lượng cao nhất. Khác với đa số các nước, Phần Lan tuyệt đối không áp dụng hệ thống sàng lọc, phân loại học sinh thành các lớp chuyên, lớp chọn, chuyển trường, chuyển lớp, đúp lớp. Trong vòng 9 năm học, học sinh được bảo đảm nhận được sự giáo dục tốt nhất và bình đẳng như nhau. Để giải quyết tình trạng phải dạy học sinh cùng độ tuổi nhưng trình độ khác nhau, các trường học toàn diện xây dựng hệ thống giáo dục đặc biệt dành riêng cho các học sinh khuyết tật, học sinh cá biệt hoặc cần sự giúp đỡ tạm thời (do ốm đau hoặc có vấn đề tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình…). Ngoài các giáo viên đứng lớp và giáo viên bộ môn, trong tất cả các trường học Phần Lan đều có một đội ngũ giáo viên đặc biệt, được gọi là các chuyên gia sư phạm thực thụ, có chuyên môn và trình độ sư phạm cao hơn những giáo viên bình thường, có nhiệm vụ bổ túc cho những học sinh khuyết tật, cá biệt và cần sự giúp đỡ tạm thời để bắt kịp với các bạn cùng lứa. Các lớp đặc biệt này có thể có từ 2-5 học sinh, thậm chí một giáo viên kèm một học sinh khi cần để bảo đảm cho học sinh đó, sau khi được bổ túc (2 buổi một tuần, mỗi buổi 2 giờ sau giờ học chính) sẽ nhanh chóng bắt kịp vào lớp học chung. Hệ thống giáo viên đặc biệt này cũng loại bỏ hoàn toàn việc dạy và học thêm. Ngoài ra, các trường học Phần Lan đều có đội ngũ giáo viên tư vấn, có trách nhiệm tư vấn cho học sinh về kỹ năng học tập, xây dựng kế hoạch học tập và lựa chọn các môn học tự chọn…Hệ thống hành chính và quản lý trường, đặc biệt là tài chính hoàn toàn độc lập với đội ngũ giảng dạy. 100% giáo viên không tham gia vào hệ thống quản lý. Hiệu trưởng hoàn toàn không có quyền can thiệp vào chuyên môn của các khoa, các giáo viên.

Để bảo đảm học sinh được học trong môi trường hoàn toàn không có sức ép trong khi học tập (fear free environment) và cạnh tranh không lành mạnh, trong suốt 9 năm học, học sinh không phải dự bất kỳ một kỳ thi toàn quốc nào. Tuy nhiên, để bảo đảm cho học sinh và giữa các trường đạt được trình độ như nhau, Hội đồng giáo dục quốc gia xây dựng giáo trình chuẩn kiến thức (quy định trong national core curriculum) cho từng môn học và áp dụng trên toàn quốc. Giáo trình chuẩn kiến thức quy định mức độ tối thiểu kỹ năng và kiến thức mà học sinh ở mỗi độ tuổi cần đạt được. Hệ thống chấm điểm kiểm tra các môn học từ 4-10 gửi riêng cho từng học sinh, gia đình, và mang tính chất gợi ý, tham khảo. Điểm số trong các trường học toàn diện không mang tính quyết định mà thay vào đó là hệ thống và tiêu chí nhận xét chi tiết khả năng và đạo đức từng học sinh. Phương pháp, tài liệu và kết quả đánh giá toàn quốc bắt buộc phải công khai trên toàn quốc, thông qua website của trường và Bộ giáo dục. Hội đồng giáo dục quốc gia (National Board of Education) biên soạn giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia cực kỳ khoa học và chi tiết. Chương trình giảng dạy của mỗi trường (school curriculum) do trường biên soạn với sự tham gia của toàn bộ giáo viên của trường trên cơ sở giáo trình cơ bản quốc gia. Không có giáo án chung cho từng môn, từng lớp. Giáo án, bài giảng, phương pháp giảng dạy thuộc trách nhiệm của từng giáo viên, dựa theo giáo trình cơ bản quốc gia và chương trình giảng dạy của trường. Kể từ năm 1992, độc quyền về sách giáo khoa được xóa bỏ. Sách giáo khoa do các nhóm chuyên gia giáo dục biên soạn theo chuẩn của giáo trình cơ bản quốc gia. Việc in ấn, phát hành do nhà xuất bản tiến hành độc lập. Các trường có thể lựa chọn giáo trình phù hợp nhất với đặc thù của trường.

Từ trước đến nay, Phần Lan luôn tin rằng một nước dân số ít, nghèo tài nguyên, muốn có chỗ đứng trên thế giới, không thể nào để bất cứ một cá nhân nào đứng bên ngoài hệ thống giáo dục bình đẳng, chất lượng cao. Những mầm non (trẻ em) được đào tốt sẽ là nguồn lực bổ sung cho lực lượng lao động ngày càng già đi. Một học sinh không đủ khả năng làm việc, không những không đóng góp được cho xã hội mà còn là một gánh nặng cho hệ thống phúc lợi, vốn đã rất đắt đỏ, và luôn trong tình trạng quá tải. Chính nhờ lực lượng lao động chất lượng cao mà Phần Lan đã thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế đầu những năm 90s, và càng củng cố niềm tin vào ý nghĩa của giáo dục, nền tảng bảo đảm những cơ hội việc làm mới và những thành tựu về kinh tế. Dân số 5.2 triệu dân, trong đó lực lượng lao động 2.7 triệu người, nhưng GDP hàng năm của Phần Lan là 170 tỷ EURO (2006).

Hệ thống trường học toàn diện là vì từng trẻ em và do đó phải điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của từng trẻ em. Giảng dạy và phương pháp sư phạm ở các trường học Phần Lan theo đó đã được thiết kế để phù hợp với những nhóm học sinh có hoàn cảnh khác nhau. Phần Lan hiểu có một thực tế rằng không thể loại bỏ bất cứ một học sinh nào và theo luật các trường không được phép chuyển học sinh sống ở vùng của mình sang một trường khác. Theo nguyên lý đó, những mối quan tâm của học sinh cũng như các lựa chọn của các học sinh đều phải được các trường tính tới khi xây dựng chương trình giảng dạy (curriculum), lựa chọn nội dụng, sách giáo khoa, chiến lược giảng dạy (learning strategy), phương pháp và các công cụ đánh giá học sinh. Tất cả những yêu cầu này đòi hỏi phải có một chương trình giảng dạy linh hoạt, theo đặc điểm từng trường (school-based) và do từng giáo viên thiết kế (teacher-planned) cùng với việc giảng dạy vì học sinh (student-centred) , chế độ tư vấn, và bắt buộc phải có cơ chế giáo viên giúp đỡ các học sinh cá biệt/yếu kém (remedial teaching)

Những lý giải cho thành công của học sinh Phần Lan trong PISA

Không có một lý do duy nhất để lý giải cho thành công của Phần Lan trong PISA. Thành tích cao đó là sự tổng hòa của nhiều giá trị, triết lý và thực tiễn trong đó có một số thực tiễn nổi bật được đa số thừa nhận như sau:

Đội ngũ giáo viên có trình độ cao và văn hóa nghề dạy học

Triết lý và quy trình đào tạo khoa học đã giúp Phần Lan đào tạo ra được những giáo viên có trình độ cao mà ít có quốc gia nào theo kịp. Theo luật, tất cả giáo viên trong hệ thống giáo dục toàn diện tối thiểu phải tốt nghiệp từ thạc sỹ trở lên. Thạc sỹ sư phạm (Master of Education – M.Ed) sẽ dạy từ lớp 1 tới lớp 6 - được gọi là giáo viên đứng lớp (class teacher) và Thạc sỹ khoa học (Master of Science – M.Sc) sẽ dạy từ lớp 7 tới lớp 12 – được gọi là giáo viên bộ môn (subject teacher). Giáo viên đứng lớp phải tốt nghiệp Thạc sỹ sư phạm. Giáo viên bộ môn phải tốt nghiệp thạc sỹ khoa học hoặc cao hơn. Ngoài ra, trong tất cả các trường học, bắt buộc phải có đội ngũ giáo viên đặc biệt (chuyên dạy, bổ túc cho các học sinh yếu kém, cần sự chăm sóc đặc biệt) và các chuyên gia tư vấn giáo dục (bắt buộc tốt nghiệp từ thạc sỹ trở lên). Giáo viên đặc biệt có quyền tham gia giảng dạy như giáo viên đứng lớp và giáo viên bộ môn.

Nghề giáo viên, nhất là giáo viên đứng lớp (lớp 1 tới lớp 6), được xã hội cực kỳ coi trọng và đối với các học sinh sau khi học xong cấp ba thì lựa chọn trở thành giáo viên luôn là ngành học rất được ưa chuộng (most polular). Điều này có thể thấy rõ qua tỷ lệ sinh viên nộp ở các trường đại học để trở thành giáo viên đứng lớp (class teacher). Trong tổng số đơn nộp học trở thành giáo viên, chỉ có 10% được nhận. Điều ấy nói lên rằng những học sinh được chọn đều là các học sinh đam mê và tâm huyết (highly motivated) và đa tài (multi-talented) có kỹ năng sư phạm tuyệt vời. Không có nhiều quốc gia đào tạo giáo viên ngay tại các trường đại học và do đó giáo viên sư phạm ở Phần Lan có vị thế đặc biệt so với các quốc gia khác. Ngoài việc học phương pháp giảng dạy, các giáo viên được trang bị kiến thức khoa học về phát triển con người theo từng độ tuổi. Giáo viên Phần Lan không chỉ đơn thuần là một nhà giáo mà được xem là nhà nghiên cứu về giáo dục độc lập. Điều này xuất phát từ triết lý được phân biệt rất rõ giữa hệ thống trường đại học (university) – đào tạo theo hướng hàn lâm, học giả (academic) theo đó những người học trong hệ thống này sẽ là những người có khả năng tạo ra những người lý thuyết mới và hệ thống polytechnic – đào tạo ra những kỹ sư, công nhân để cung cấp nhân lực cho tất cả các ngành trong đời sống kinh tế (professional workers).

Về mặt lịch sử, trong khoảng 150 năm trở lại đây, dạy đọc và viết thuộc trách nhiệm của giáo viên đứng lớp. Trước đó, dạy học do nhà thờ đảm nhiệm. Với việc thông qua Luật giáo dục bắt buộc năm 1921, và mỗi khu vực dân cư (tính theo số hộ dân) đều có một trường tiểu học, giáo viên tiểu học từ đó được xem là “người đem lại ánh sáng” cho cộng đồng. Rất dễ bắt gặp trong lớp cảnh một giáo viên quỳ (sitting on his or her knees) trước bàn của học sinh để có thể nhìn thẳng vào mắt học sinh để hướng dẫn làm bài. Thời gian học tiểu học đối với mỗi trẻ em đều là thời gian ấm áp và đáng nhớ nhất. Sau mỗi buổi học, cảnh tượng thường thấy ở các trường tiểu học là học sinh thường ôm hôn tạm biệt các cô giáo. Đây là nét văn hóa gần như đã mai một ở hầu hết các quốc gia.

Giáo viên Phần Lan được trao quyền tự chủ cao và Phần Lan không có cơ chế thanh tra giáo dục. Điều này khiến cho giáo viên cảm thấy tự do hơn, có trách nhiệm hơn. Trao quyền tự chủ cho trường và giáo viên đồng nghĩa với sức ép cho hệ thống đào tạo giáo viên, theo đó người giáo viên phải được đào tạo để có trình độ như những nhà nghiên cứu giáo dục độc lập. Mỗi giáo viên phải có khả năng xây dựng giáo án riêng của mình, dựa vào hai cuốn là giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia (core national curriculum) do Hội đồng giáo dục quốc gia xuất bản và chương trình giảng dạy chi tiết do trường xây dựng. Các giáo viên cũng được tham khảo ý kiến khi xây dựng giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia và chương trình giảng dạy của trường mình. Ngoài ra, giáo viên được tự do lựa chọn sách giáo khoa cho lớp mình từ trong số các sách giáo khoa của các nhà xuất bản. Những quyền tự do này giúp giáo viên có vai trò chủ động trong công việc giảng dạy của mình, tạo cho giáo viên cảm giác thích thú trong nghề nghiệp và tạo cho giáo viên cơ hội và trách nhiệm phát triển những kinh nghiệm riêng trong nghề.

Được xem như là chuyên gia giáo dục, các giáo viên Phần lan cũng được tin tưởng về đánh giá học sinh, thường thông qua các bài tập (class work) của học sinh, những bài kiểm tra do giáo viên soạn. Tại Phần Lan, vai trò đánh giá học sinh hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên lại càng quan trọng hơn bởi học sinh không hề phải dự một kỳ kiểm tra hoặc kỳ thi toàn quốc nào trong suốt quá trình học hoặc ở cuối kỳ học ở trường học toàn diện.

Mọi học sinh cũng có quyền được hưởng hình thức tư vấn (counselling) về giáo dục. Các chuyên gia tư vấn được đạo tạo trong hệ thống đào tạo giáo viên (tối thiểu phải tốt nghiệp Thạc Sỹ) có nghĩa vụ hướng dẫn học sinh kỹ năng học, tư vấn cho học sinh lựa chọn các môn học (học sinh bắt đầu được lựa chọn các khóa học phụ từ lớp 7-9) và tư vấn cho học sinh việc lập kế hoạch học tập sau khi kết thúc giai đoạn học bắt buộc (sau lớp 9). Theo luật, tất cả các trường học đều có giáo viên tư vấn, có trách nhiệm tư vấn cho từng học sinh có nhu cầu hoặc muốn được tư vấn.

Bổ túc và bồi dưỡng giáo viên được tổ chức rất công phu. Có nhiều cơ quan giáo dục tổ chức các khóa học bổ túc và bồi dưỡng giáo viên khác nhau. Ví dụ như Hội đồng giáo dục quốc gia xây dựng nhiều chương trình bổ túc về dạy toán cho giáo viên và các tổ chức giáo dục địa phương tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên cấp cơ sở và trung học.

Các Hiệp hội giáo viên cũng tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên về giảng dạy môn toán ở cả địa phương và toàn quốc. Các Hiệp hội chính là Hiệp hội giáo viên toán, Hiệp hội giáo viên đứng lớp (lớp 1-6), Hiệp hội giáo viên lớp 1 và 2 và Hiệp hội giáo viên đặc biệt.

Mỗi trường đại học có một trung tâm bồi dưỡng giáo viên và mỗi địa phương có một Trường đại học mùa hè. Cả hai hình thức này tổ chức nhiều khóa học khác nhau trong đó có các khóa học bồi dưỡng giáo viên. Ngoài ra, các Học viện mở (Free Institutes) và các Học viện dân sự (Civil Institutes) cũng tổ chức các lớp bổ túc giáo viên. Hệ thống bổ túc giáo viên nhằm bảo đảm các giáo viên liên tục được cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới nhất.

Phúc lợi và văn hóa trường học

Từ xưa tới nay trẻ em và thế hệ trẻ luôn có địa vị đặc biệt trong xã hội Phần Lan. Theo mô hình nhà nước phúc lợi, hầu hết mọi dịch vụ do chính phủ cung cấp cho mọi người đều miễn phí, đặc biệt đối với trẻ em.

Mọi loại hình giáo dục đều miễn phí, không những thế hệ thống giáo dục còn nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt, từ nhiều phía. Các trường học cung cấp dịch vụ y tế miễn phí; học sinh và giáo viên được phục vụ ăn miễn phí trong trường; học sinh được sử dụng miễn phí máy tính và máy in; tất cả các máy tính trong trường đều kết nối Internet; học sinh từ lớp 1 trở đi có cơ hội tiếp cận tới các máy tính để nhận email từ nhà trường và dùng vào mục đích học tập khác; học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được cung cấp miễn phí sách giáo khoa, vở học tập và bút chì; đối với những học sinh ốm mệt trong ngày và nhà cách trường quá 5km đều được taxi hàng ngày đưa đón tới trường miễn phí.

Các trường học ở Phần Lan đều được xây dựng khang trang và được trang bị theo tiêu chuẩn. Trường học là một không gian mở theo nhiều nghĩa. Quanh trường không được có tường bao và bất kỳ ai cũng có thể vào trường từ tất cả các cửa. Giáo viên và công tác giảng dạy không phải chịu bất kỳ sự thanh tra nào. Học sinh được tự do thoải mái trong phong cách ăn mặc. Giao tiếp giữa giáo viên và thầy giáo không chịu sự ràng buộc về lễ nghi. Tuy thế, sự kính trọng của học sinh đối với giáo viên trong trường, đặc biệt là trong các trường tiểu học là hiện hữu. Sự kính trọng đó chủ yếu xuất phát từ đạo đức và trình độ của giáo viên.

Không khí trong trường tương đối yên lặng, đặc biệt trong lớp học. Giáo viên do đó có tâm trạng thoải mái dạy dỗ học sinh và giúp tăng hứng thú của giáo viên trong công việc giảng dạy. Giáo viên có quyền phô tô các bài giảng để phát cho học sinh làm tài liệu giảng dạy với số lượng không hạn chế. Những tài liệu như vậy và các tài liệu khác đều được phát miễn phí. Trong mỗi lớp học đều có bồn rửa tay và giấy vệ sinh. Lớp học, hành lang, phòng nghe, hội trường và phòng tắm luôn sạch sẽ và ấm cũng. Chính vì thế học sinh có thể mặc quần sóc và đi dép trong nhà trong trường, tạo cảm giác như đang ở nhà.

Mỗi tiết học kéo dài 45 phút. Giữa hai tiết có 15 phút nghỉ giải lao trong lớp. Theo truyền thống cứ giờ nghỉ giải lao giáo viên sẽ cho mở cửa sổ để học sinh có thể hít khí trời, kể cả mùa đông. Giữa giờ nghỉ chính, đặc biệt là đối với học sinh từ lớp 1 tới lớp 6, học sinh phải rời phòng học và đi thư giãn ở trong khuôn viên của trường. Các giáo viên, theo luân phiên, sẽ chơi cùng trẻ em để trông trẻ trong thời gian chơi ở ngoài. Hàng ngày, giáo viên và học sinh ăn cùng nhau trong nhà ăn của trường. Hiệu trưởng có thể liên lạc với tất cả các lớp thông qua hệ thống loa nối tới từng lớp học để có thể có những thông báo chung cho toàn trường hoặc thông báo riêng cho từng lớp học.

Sĩ số trung bình một lớp học ở Phần Lan là từ 15 tới tối đa là 25 học sinh và điều đó tạo điều kiện để giáo viên có thể quan tâm tới từng học sinh. Quan hệ giữa học sinh và giáo viên đối với từng học sinh cũng tốt hơn và giáo viên có thể hiểu rõ học lực, tính cách và tâm tư của từng học sinh.

Từ quan điểm của xã hội và khoa học giáo dục, sỹ số như thế sẽ tạo ra sự thân tình giữa giáo viên và học sinh. Bữa ăn trưa ở trường với giáo viên cũng giống như một bữa ăn trong một gia đình lớn. Thức ăn trong trường tương tự như thức ăn trong các gia đình, bao gồm một món ăn chính nóng, ăn kèm với bánh mì, salad, đồ ăn tráng miệng và đồ uống là sữa tươi. Thực phẩm bao giờ cũng phải tươi và được chế biến cẩn thận. Hệ thống bếp ăn và nhà ăn được thiết kế theo tiêu chuẩn bảo đảm tạo cảm giác thoải mái. Chính vì thế hầu hết học sinh thích ăn ở trường hơn ở nhà.

Từ quan điểm học tập, sỹ số lớp không quá đông nên giáo viên có thể chăm sóc học sinh. Khi phát hiện ra học sinh học đuối ở một môn học nào đó (nguyên nhân có thể do nhận thức, do tâm lý, hoặc ốm mệt thông thường…), giáo viên đứng lớp hoặc giáo viên đặc biệt sẽ lập kế hoạch giúp đỡ học sinh đó. Ngoài các hình thức giúp đỡ ngay tại lớp, giáo viên đặc biệt sẽ tổ chức lớp học bồi dưỡng (support class) gồm một số em cùng yếu một môn hoặc dạy kèm riêng cho một em đó. Sỹ số lớp nhỏ cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn để các học sinh thân thiết với nhau và chính các em khá có điều kiện giúp đỡ bạn mình.

Trường cũng tổ chức những cuộc gặp với phụ huynh học sinh (sau giờ học và giờ làm việc) để thảo luận những vấn đề chung. Những buổi gặp gỡ giữa giáo viên và phụ huynh là bắt buộc. Ngoài các buộc gặp chung, phụ huynh học sinh được thu xếp gặp riêng giáo viên đứng lớp. Các giáo viên, đặc biệt là giáo viên lớp 1 và 2, một năm ít nhất một lần phải thăm gia đình các em học sinh.

Trường học ở Phần Lan không có khái niệm trừng phạt (bạo hành học sinh). Khái niệm trừng phạt học sinh tuyệt đối không nằm trong tư duy của các giáo viên, một phần tư duy đó là do giá trị bình đẳng xã hội ăn vào tiềm thức, một phần là được giáo dục trong chương trình đào tạo. To tiếng với học sinh cũng là điều không cần thiết. Trừng phạt và trù dập (control) học sinh không phải là đặc tính trong nghề giáo Phần Lan. Mục đích công việc giảng dạy của giáo viên là hỗ trợ cho học sinh phát triển. Một điều tưởng chừng đơn giản thuộc về đạo đức nhà giáo nhưng ít quốc gia làm được là nếu như học sinh tiểu học để quên sách ở nhà thì giáo viên sẽ mang tới một cuốn sách mới và không được trách mắng học sinh.

Phần Lan có luật bình đẳng giữa các trường học toàn diện, được thông qua vào năm 1998. Điều này phản ảnh truyền thống và giá trị bình đẳng trong xã hội Phần Lan. Phần Lan chỉ có một số rất ít trường tư và ngay cả trường tư thì tài chính phần lớn cũng là từ chính quyền và niềm tin vào hệ thống trường công được tạo dựng từ lâu đời. Học sinh tới trường không những được học tập mà còn được hỗ trợ cho quá trình phát triển. Bài tập về nhà không được tạo áp lực. Theo quy định, giáo viên không được giao bài tập cho học sinh trước các kỳ nghỉ dài và trước kỳ nghỉ cuối tuần. Làm như vậy là để học sinh có điều kiện hình thành những sở thích riêng và tham gia vào các hoạt động năng khiếu, đặc biệt là năng khiếu về âm nhạc và thể thao sau giờ học ở trường. Không có áp lực từ nhà trường và xã hội đối với học sinh trong thời gian nghỉ hè, do đó đây là thời gian đặc biệt quan trọng với học sinh và gia đình. Với gia đình, hè là khoảng thời gian để các gia đình có điều kiện hơn trong chăm sóc con cái (tổ chức đi nghỉ hè trong gia đình, dạy học sinh những kỹ năng, nghề nghiệp gia đình…). Đối với học sinh, đó là khoảng thời gian vui chơi quý báu, có điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội và hình thành các sở thích và năng khiếu riêng.

Trường học Phần Lan không chỉ chuẩn bị cho tương lai của học sinh mà còn bảo đảm học sinh có một cuộc sống tốt đẹp trong thời gian học tập. Các trường tạo được niềm tin tuyệt đối cho cha mẹ và giáo viên là những người có tâm hỗ trợ cho sự phát triển của từng học sinh, đặc biệt những trẻ em kém may mắn.

Tính linh hoạt của chương trình đào tạo và tự chủ sư phạm.

Cho tới những năm 90s, giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia (national core curriculum) vốn rất chặt chẽ và chi tiết về cấu trúc, việc tổ chức, nội dung, resources và các phương pháp truyền đạt trong toàn bộ quá trình học toàn diện đều được quy định trong giáo trình – sách giáo khoa được kiểm soát tỷ mỉ, mục đích là để bảo đảm tính thống nhất cao về giáo dục giữa các trường và các lớp học. Đầu những năm 90s, Phần Lan thay đổi căn bản triết lý xây dựng giáo trình và thực tiễn áp dụng (practice). Giáo trình được tổ chức lại, theo hướng linh hoạt hơn, phân quyền và ít chi tiết hơn. Cũng theo hướng đó, các vấn đề về trách nhiệm của các trường, về chương trình kiểm tra quốc gia, định hướng (guideline) về chấm điểm cũng được áp dụng. Guideline chấm điểm không quá cứng nhắc, xem xét tới cả nỗ lực và các hoạt động ngoại khóa của học sinh. Kết quả học tập của toàn bộ các trường học toàn diện trong chín năm được làm theo một bản điều tra dựa trên mẫu sẵn (report card). Kết của các trường được đánh giá bởi Hội đồng giáo dục quốc gia và gửi riêng tới từng trường.

Các giáo viên Phần Lan có quyền tự quyết cao liên quan tới việc quản lý cũng như ra các chính sách trong trường. Họ có tiếng nói cao hơn so với các giáo viên trong OECD trong việc quyết định nội dung khóa học, chọn sách giáo khoa, đưa ra các chính sách đánh giá học sinh, quyết định trường sẽ dạy các khóa nào và phân bổ ngân sách trong trường. Trái lại, giám sát các bộ phận trong trường và các cơ quan giáo dục địa phương thì giáo viên Phần Lan có ít quyền hơn so với OECD. Điều này cũng có nghĩa là giáo viên tập trung nhiều hơn vào công viên chuyên môn. Thực tế kết quả PISA cho thấy nước nào mà trường có quyền tự chủ cao hơn đạt kết quả cao hơn. Mức độ tự chủ cao của trường và giáo viên có thể được xem là nhân tố quyết định việc Phần Lan đạt thành tích cao trong PISA.

Sự thuần nhất văn hóa giáo dục

Trong một thời gian dài, hệ thống trường học toàn diện của Phần Lan đã được gia cố (underpinned) bằng sự đồng thuận chính trị rộng rãi (exceptionally broad) về những hướng đi chính của chính sách giáo dục quốc gia. Phần Lan hiếm khi chứng kiến những sự thay đổi đột ngột và các cuộc xung đột mang tính chính trị sâu sắc về tư duy giáo dục (educational thinking). Như trong suốt thế kỷ 20, các dịch vụ giáo dục (educational services) phát triển đồng đều và hòa hợp với (in agreement with) nhu cầu của các nhóm và vùng dân cư. Ngày nay – nhờ và chất lượng đào tạo giáo viên cao – mọi công dân đều được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao. Điều này – một lần nữa – được phản ảnh ở mức độ khác biệt thấp hơn nhiều mức trung bình OECD trong kết quả giáo dục ở từng học sinh và ở cấp độ hệ thống.

Do có nền văn hóa đồng nhất và dân trí cao nên Phần Lan có phần dễ dàng hơn để đạt được sự hiểu biết chung về chính sách giáo dục quốc gia và các phương cách (means) để phát triển hệ thống giáo dục. Thậm chí việc cải cách (mang tính cách mạng) chuyển sang hệ thống giáo dục toàn diện (nội hàm là bình đẳng hơn) trong những năm 1970s cũng không gặp phải những mâu thuẫn chính trị quá lớn. Sự thực là trong suốt thời gian từ thập kỷ 60s tới thập kỷ 70s thì đã có sự đồng thuận rộng rãi trên toàn quốc rằng hệ thống giáo dục song song (parallel system) cần phải được thay thế bằng một hệ thống toàn diện bình đẳng hơn. Từ đó đến nay giáo dục hiếm khi trở thành chủ đề chính trị và xã hội gây tranh cãi ở Phần Lan. Phải thừa nhận rằng lúc này lúc khác cũng có một vài tiếng nói hoài nghi rằng hệ thống giáo dục toàn diện vô hình chung đã cào bằng (even out) và như thế thì trình độ chung của toàn bộ học sinh bị kém đi, đặc biệt là đã không kích thích những nhân tố xuất chúng. Thế nhưng những lập luận theo hướng này chưa bao giờ nhận được sự hưởng ứng từ số đông.

Vốn là một quốc gia thuần nhất về văn hóa, Phần Lan đã trở thành một hình mẫu (exemplary) trong việc quan tâm tới các nhóm dân thiểu số. Phần Lan có hai ngôn ngữ chính, 94% dân số sử dụng tiếng Phần Lan chiếm và 6% còn lại là tiếng Thụy Điển. Mọi người dân cho dù ở nhóm ngôn ngữ nào cũng bình đẳng với nhau, nhận được những nguồn lực như nhau trong giáo dục, được dạy bằng thứ tiếng của mình từ cấp tiểu học cho tới đại học. Các nhóm thiểu số còn lại ở Phần Lan tương đối nhỏ. Theo số liệu PISA, học sinh không phải bản xứ chỉ chiếm 1 % so với mức trung bình của OECD là 4.7% và và những học sinh không nói thứ tiếng dùng để đánh giá chỉ chiếm 1.3% trong tổng số học sinh Phần Lan, so với mức trung bình OECD là 5.5%.

* * *

Nhìn chung lại, kết quả PISA cho thấy không chỉ có một lý do duy nhất để lý giải cho thành tích cao của Phần Lan qua PISA. Mà nói đúng hơn thành tích là sự tổng hòa nhiều nhân tố gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó nổi bật là triết lý giáo dục toàn diện, trình độ giáo viên, phúc lợi trường học, tự chủ sư phạm và đồng nhất về văn hóa là những nhân tố quan trọng giúp định hình và đưa giáo dục Phần Lan trở thành một hình mẫu và mơ ước của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, mạng lưới thư viện rộng khắp, uy tín (prestige) / bề dày văn hóa giáo dục, kỳ vọng cao đặt vào nhà giáo, kinh nghiệm sư phạm và các chiến dịch gần đây nhằm nuôi dưỡng ý thức đọc, tất cả ít hay nhiều đều đóng góp vào thành tích cao của Phần Lan.


-----------------------------

Phần viết thêm

Từ xưa tới nay, Phần Lan vẫn được xem là là một nước nhỏ ở Bắc Âu với dân số khoảng 5.2 triệu người. Diện tích 338.000 km2, rộng thứ 6 Châu Âu, mật độ dân số 17 người/km2. Rừng chiếm 2/3 diện tích, 1/10 là hồ (50.000 hồ, hồ rộng nhất 4.400 km), các tài nguyên khác không đáng kể. Nông nghiệp không phát triển được (chiếm khoảng 6% GDP) do thiên nhiên khắc nghiệt, mùa hè chỉ khoảng 15 tuần; mùa đông dài, băng giá; 8 tuần mùa đông hầu như không thấy ánh sáng mặt trời.

Tháng 12/2007 Phần Lan sẽ kỷ niệm 90 năm độc lập. Có lịch sử và hoàn cảnh tương đối giống Việt Nam phải sống cạnh hai nước láng giếng lớn là Nga và Thụy Điển. Phần Lan có lịch sử 600 năm (TK12-19) là thuộc địa của Thụy Điển, hơn 100 năm (1809-1917) dưới sự đô hộ của Nga. Tuyên bố độc lập năm 1917 nhưng trong chiến tranh thế giới thứ hai phải tiếp tục chiến đấu với Nga. Mặc dù Nga không chiếm được Phần Lan nhưng Phần Lan phải nhượng 10% đất và chịu gánh nặng bồi thường chiến tranh 1 tỷ đô-la cho Nga. Gần như chỉ ngay sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Phần Lan ngả mạnh sang Châu Âu và chính thức gia nhập EU năm 1995, và là nước Bắc Âu duy nhất tham gia đồng tiền chung Châu Âu vào năm 2002. Thời gian thực sự hòa bình phát triển chỉ khoảng 50 năm (khoảng 20 năm trước Việt Nam) và cũng phải chịu suy thoái nặng nề đầu những năm 90s (91-94).

Nếu nhìn vào bảng so sánh thành tích trên thế giới (International Rankings), Phần Lan được xem là một trong những nước phát triển nhất châu Âu. Kể từ năm 2001 vượt Mỹ trở thành nước cạnh tranh nhất về kinh tế. Các chỉ số so sánh với OECD về toàn cầu hóa, môi trường, tự do kinh tế, cạnh tranh, thành tựu công nghệ, giáo dục, tự do báo chí, tham nhũng, chỉ số phát triển con người, chỉ số cạnh tranh, tăng trưởng hầu hết đều dẫn đầu thế giới hoặc đứng ở trong tốp 10 thế giới. Dân số trung bình khoảng 5 triệu trong đó lực lượng lao động trung bình gần 3 triệu người (số còn lại là người già, trẻ em và thất nghiệp) nhưng trong một thập kỷ qua GDP luôn ở mức trung bình 150 tỷ euro và đạt xấp xỉ 170 tỷ năm 2006; bình quân đầu người 38.000 euro/năm.

Quan hệ với Việt Nam, dù chỉ là một nước nhỏ (có 5.2 triệu dân), do quan hệ truyền thống, Phần Lan hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong thời chiến lẫn thời bình. Hàng năm, Phần Lan vẫn cung cấp cho ta khoảng 10-20 triệu Euro viện trợ không hoàn lại. Các dự án hợp tác phát triển về nước sạch, đóng tàu từ những năm 70s là những ví dụ điển hình về tính hiệu quả của Phần Lan.

Tất cả những thành tựu trên đều xuất phát từ nền giáo dục chất lượng cao, luôn đứng trong tốp đầu các nước tạo ra tri thức mới, trong đó NOKIA là một ví dụ điển hình. Dù dân số ít nhưng Phần Lan đóng góp 16 công ty trên tổng số 2000 công ty lớn nhất thế giới (Forbes 29.3.07).

Hệ thống giáo dục của Phần Lan, nhất là hệ thống giáo dục toàn diện, không phải được xây dựng một sớm một chiều, mà cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trong hơn 3 thập kỷ qua. Thế nhưng xuyên suốt trong lịch sử, tâm thức để xây dựng nền giáo dục đều xuất phát từ ý thức coi trọng tri thức. Từ bao đời nay trong tâm thức của toàn xã hội đều cho rằng Phần Lan là một nước nhỏ, ít dân, nghèo tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại nằm ở vị trí địa chính trị không thuận lợi. Để đối phó với những khắc nghiệt của thiên nhiên, địch họa và có chỗ đứng trong thế giới văn minh, hiện đại, phải xây dựng được nền giáo dục và xã hội dựa vào ba trụ cột chính là kỹ năng, tri thức và sáng tạo. Những mục tiêu chính trị đó là động lực thúc đẩy Phần Lan phải luôn phấn đấu duy trì được một nền giáo dục chất lượng cao và một xã hội học tập suốt đời. Ngay trong sử thi lâu đời nhất của Phần Lan – Kalevala – nhân vật chính không phải là một chiến binh anh hùng mà là một nhà thông thái dùng tri thức để tạo ra của cải và hạnh phúc, dùng lời nói và thơ văn thay cho súng đạn để chiến thắng kẻ thù.

Giáo dục là "vì lợi ích trăm năm". Mô hình giáo không phải là vấn đề "một sớm một chiều”. Giáo dục cần có một con đường, một triết lý. Phần Lan quan niệm rằng xây dựng một nền giáo dục cũng giống như đưa một đoàn tàu lớn từ cánh đồng lầy lên một đường ray bằng phẳng. Đối với Phần Lan, triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người, được xây dựng trong nhiều thế hệ. Và để có được hệ thống giáo dục toàn diện như hiện nay cũng mất hơn 30 năm. Đối với một đất nước 5 triệu dân trong đó chưa đầy 1 triệu trong độ tuổi học toàn diện đã phải mất nhiều thời gian và tâm lực đến thế. Muốn đưa con tàu giáo dục Việt Nam (lạc hậu hơn, đông hành khách hơn) từ một vũng lầy lội hơn... lên một đường ray bằng phẳng sẽ gặp phải khó khăn hơn gấp bội phần.