(QT) - Vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức trong xã hội luôn được người Việt Nam chúng ta coi trọng, luôn đặt vào vị trí hàng đầu. Không chỉ đợi đến thời kỳ xuất hiện khái niệm "nền kinh tế tri thức", người Việt mới coi trọng đội ngũ trí thức, mà ngay từ thời phong kiến, trên tấm bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám ghi danh những tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) đã nêu bật được tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, đối với giáo dục nhân tài trong việc hưng thịnh của đất nước: "...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...".
Các bậc minh triết xưa cũng đã có những nhận định trở thành chân lý cho mọi thời đại: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Có nghĩa là đất nước muốn hưng thịnh thì phải nhờ vào trí thức.
Quan niệm "nhất sỹ, nhì nông" một phần nao đó còn đúng trong xã hội ngày nay. Nhất sỹ tức là đề cao tri thức, đề cao trí tuệ. Và thực tế cho thấy rằng, đội ngũ trí thức chính là những người tiên phong để tạo ra tri thức mới, tạo ra trí tuệ mới, hoặc chí ít là đội ngũ có trách nhiệm cao nhất trong giữ gìn, truyền bá và phát huy tri thức vô tận của nhân loại.
Lược qua một vài quan niệm về tri thức và đội ngũ trí thức của người xưa và sự nhìn nhận của xã hội ngày nay thì có thể khẳng định rằng đội ngũ trí thức chính là lực lượng quan trọng đối với sự vong, thịnh của đất nước.
Tuy nhiên, quan niệm chưa đủ. Để biến quan niệm đó thành thực tế, tức là tạo mọi điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy cao nhất tri thức của mình, đóng góp vào sự hưng thịnh của dân tộc thì hoàn toàn là một vấn đề khác. Lịch sử của nhân loài đã chứng kiến rất nhiều thành quả cũng như hậu quả khôn lường trong cách sử dụng đội ngũ trí thưc.
Nhớ thời Tam quốc chí, vua Lưu Bị cai trị nước Thục nhờ sáng suốt biết thu phục nhân tâm và trọng dụng người tài, thực tâm cầu hiền, không quản đường xa, khẩn cầu Khổng Minh, một nhân tài đa mưu, túc kế ra phò tá làm quân sư. Ngược lại, Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên có công thống nhất đất nước nhưng cai trị đất nước bằng bạo quyền, đốt sách, không coi trọng trí thức, chỉ được thời gian ngắn đất nước lại hỗn loạn, phân ly.
Thời phong kiến, ở nước ta đã có biết bao bài học khi biết trọng dụng trí thức thì công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển rất hiệu quả nhờ tầng lớp trí thức lãnh đạo biết khơi dậy, hòa đồng cùng với nhân dân xả thân vì nghiệp lớn. Bài “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, bài thơ Thần bất hủ của Lý Thường Kiệt xác định chủ quyền của đất nước, hay bản hùng văn lịch sử của Nguyễn Trãi :”Bình Ngô đai cáo” là minh chứng cho sự sáng suốt của các tiền nhân biết coi trọng và sử dụng trí thức là các nhà quân sự, nhà tư tưởng chiến lược của thời đại.
Hồ Chủ tịch trong những ngày đầu thành lập Chính phủ kháng chiến cũng đã từng phân vân “không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những người tài đức không thể xuất thân”. Chính Bác đã mời những nhà trí thức nổi tiếng như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của... từ bỏ chốn phồn hoa đô hội và cuộc sống nhung lụa ở các nước phương Tây, Nhật Bản về nước đi theo kháng chiến.
Tại sao những người như Giáo sư, Viện sỹ Phạm Quang Lễ (sau này được Bác đặt tên là Trần Đại Nghĩa để ghi nhận nghĩa hiệp của ông đối với cách mạng) đã từng là trí thức làm việc trong ngành chế tạo máy bay, vũ khí ở Pháp lại hồi hương, chấp nhận làm việc ở một môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn trong những ngày đầu kháng chiến, chỉ mong đóng góp một phần tri thức của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc?
Phải chăng chính vì sự ngưỡng mộ tài năng trác việt và nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay chính nhờ vào sự thu phục nhân tâm và sự cảm hóa đội ngũ trí thưc tài tình của Bác? Bác Hồ đã để lại cho chúng ta "bài học sử dụng đội ngũ trí thức" vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bài học đó vẫn còn mang tính thời sự cho đến ngày hôm nay.
Bài học về cách dụng người của Bác thật sinh động, nhưng để biến bài học đó thành hiện thực thì không những cần có những quan niệm đúng đắn mà cần có những chính sách đúng đắn đối với đội ngũ trí thức. Nói cách khác, "quan niệm đúng đắn" mới chỉ là lý thuyết, "chính sách đúng đắn" mới là động lực trực tiếp để khuyến khích sự cống hiến của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của quê hương, đất nước.
Đối với Quảng Trị, đội ngũ trí thức ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, hiện có khoảng 350 người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Trong phát biểu tại buổi gặp mặt đội ngũ trí thức toàn tỉnh lần thứ nhất ngày 27/3/2009, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã ghi nhận đội ngũ trí thức của tỉnh nhà "đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển quê hương, đất nước".
Tuy nhiên, nhìn một cách công bằng và khách quan thì chính sách "chiêu hiền, đãi sỹ" của tỉnh Quảng Trị trong những năm vừa qua mặc dù đã có những đổi mới nhưng chỉ mới dừng ở một vài chính sách cơ bản, chưa có một quy hoạch xây dựng, thu hút đội ngũ trí thức mang tầm quy mô và chiến lược. Sẽ là khập khiểng nếu so sánh chính sách thu hút nhân tài với các tỉnh và các thành phố lớn trên cả nước có mặt bằng kinh tế cao hơn Quảng Trị.
Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh có có chính sách xây dựng đội ngũ trí thức bằng cách gửi hàng trăm người đi đào tạo tiến sỹ tại nước ngoài và cam kết trở về phục vụ tại thành phố. Thành phố Đà Nẵng không chỉ thu hút nguồn lực từ bên ngoài mà còn quan tâm đào tạo tại chỗ đối với học sinh đang theo học tại các trường THPT trên địa bàn và gửi học sinh đi đào tạo tại các trường ĐH trong và ngoài nước bằng ngân sách thành phố. Điều đó đã thể hiện được sự quyết tâm rất lớn thông qua các chính sách có lộ trình minh bạch và lâu dài của chính quyền đối với mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức.
Chưa làm tốt chính sách thu hút nhân tài thì tình trạng "chảy máu chất xám" là điều không thể tránh khỏi. Xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh cho tỉnh nhà phải cần được cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách thu hút nhân tài; các biện pháp nhằm lành mạnh hóa, tạo điều kiện tôt nhất về môi trường làm việc.
Nhìn xa hơn, hiền tài phải được hướng tới lớp trẻ, bởi họ là những người khao khát cống hiến, phục vụ cho quê hương, có khả năng tiếp thu và sáng tạo những cái mới. Tin tưởng vào lớp trí thức trẻ chính là tạo điều kiện để khơi nguồn hiền tài và làm cho họ nhận thức được vai trò và trọng trách đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Vì vậy, cần tạo môi trường "cạnh tranh dựa trên tri thức và năng lực thực thụ" cho trí thức làm việc, phát huy năng lực, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức, thành quả họ mang lại.
Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu cho rằng sự lớn mạnh của đội ngũ trí thức tỉnh nhà chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chủ trương, chính sách, chế độ đãi ngộ của tỉnh mà chính đội ngũ trí thức phải tự ý thức được trách nhiệm đối với quê hương, đất nước mình. Một trí thức chân chính sẽ tự biết tìm cách để luôn sáng tạo và sử dụng tri thức mình có, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự phát triển, phồn thịnh của quê hương, đất nước.
Trương Đình Thăng
http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=85&modid=389&ItemID=11149