Monday, September 14, 2009

WTC bị 'san phẳng' và cuộc ném bom 'san phẳng' VN

Để cho sự kiện đau đớn như 11/9 hay chiến tranh Việt Nam không xảy ra, cần có tầm nhìn nhân loại. Nếu chỉ nhìn thấy biên giới quốc gia, như cậu tôi thấy lũy tre quanh làng ở Hoa Lư, hay đồng nghiệp nhìn qua hàng rào nhà mình bên DC, chắc chắn còn xung đột.

Cậu ruột của tôi rất quí những đứa cháu học hành đến nơi đến chốn, thoát ra lũy tre làng để lập thân, trong đó có tôi. Mỗi lần tôi thăm quê, mẹ thường mời họ hàng thân quen, trong đó có cậu, tới chơi nhà. Ngoài chuyện làm ăn, chuyện đường xa, cậu rất quan tâm đến nước Mỹ.

Câu hỏi của cậu là “Nước Mỹ có văn minh không?”. Đương nhiên câu trả lời là “có”. “Tại sao Mỹ lại mang bom ném Việt Nam?"

Làng Tụ An thanh bình thuở nào bên dòng sông Hoàng Long yên ả, chẳng có gì đáng gọi là mục tiêu quân sự. Cống thủy lợi Trường Yên tưới tiêu cho cả tỉnh Ninh Bình. Thế mà nơi đây từng hứng chịu vài lần bom đạn Mỹ, thực hiện "giấc mơ " làm "phẳng" miền Bắc của Tổng thống Mỹ lúc đó là Johnson. Giữa năm 1968, cống bị oanh tạc, mấy chục người chết thảm. Hai bên mố cống bị sụt lở và nứt. Năm đó lũ lụt đã tiếp tay phá tan đê. Hàng vạn người kêu khóc, trẻ em bà già nheo nhóc chạy lũ lên núi vào một đêm đen tối. Cậu tôi ghét Mỹ là đương nhiên.

Năm 2005, sau khi định cư ở Mỹ vài năm, tôi về thăm. Lại câu hỏi khác về nước Mỹ: “Họ có mạnh không?”. Câu trả lời: “Mỹ mạnh nhất thế giới, cậu ạ”. “Mạnh mà để Bin Laden tấn công?”.

Cậu nói với vẻ hài lòng: “Ném bom làng mình, gây tội ác, thì phải nhận hậu quả thôi”. Đó là cách người nông dân ít học quê tôi nghĩ về sự kiện 11/9.

Vào 8 giờ 46 phút sáng 11/9/2001, chiếc máy bay American Airlines số 11 chở khách đầu tiên lao vào tầng 80 đã chia cắt những tầng lầu trên đó thành ốc đảo. Rất nhiều người thấy lửa cháy đang liếm dần lên tầng của mình, đã nhảy tự tử từ trên cao 300-400m vì biết không thể thoát. Trước khi chết, họ cũng căm thù tột độ những kẻ khủng bố cũng không kém so với ông cậu khi nhìn bom rơi xuống làng tôi mấy chục năm trước.

Người New York, thấy hai tòa tháp từ từ sụp xuống như que kem bị nắng hè làm tan chảy, vô cùng căm hận 19 tên cướp 4 máy bay. Tòa tháp đôi (Twin Towers) "phẳng" như bình địa (Ground Zero)

Bin Laden tính toán rất kỹ để đạo diễn vụ này. 11/9/2001 rơi vào thứ 3, máy bay ít người đi lại, hành khách chống trả sẽ yếu hơn. Vừa cất cánh nên rất nhiều xăng đủ thiêu đốt tòa nhà hàng trăm tầng. Tháng 9 mùa thu nước Mỹ, trời trong xanh và nắng vàng rực rỡ, quay tivi hay chụp ảnh thật tuyệt diệu.

Máy bay đầu lao vào tòa nhà phía Bắc, chiếc sau chậm khoảng 15 phút, đủ thời gian cho các hãng thông tấn tới quay cảnh tòa nhà đang cháy. Chiếc thứ hai đâm vào tòa tháp phía Nam trước các ống kính ti vi đã lắp sẵn sàng để truyền hình trực tiếp cú lao khủng khiếp.

911 cũng là số gọi cảnh sát hay chữa cháy. Bên Mỹ, tháng ghi trước ngày nên mới có 9/11, nghĩa là ngày 11 tháng 9. Nhắc đến 911 nghĩa là nhắc đến nỗi đau khôn nguôi của người Mỹ.

Một đồng nghiệp kể về ngày tuyệt vọng đó tại Washington DC trong tòa nhà cách Nhà Trắng đúng một phố. Vừa ngồi vào bàn làm việc thì ai đó hoảng hốt báo một máy bay hành khách lao vào tòa tháp đôi ở New York. Cả nhóm sang xem ti vi mà không biết chiếc United Airlines 175 đang tới. Anh nhìn thấy chiếc máy bay đâm vào tòa nhà, khối lửa bùng lên trên ti vi do CNN quay trực tiếp.

Vì chuyện xảy ra ở New York nên Washington DC cách xa 500km không cảm thấy ngay. Các anh đang đứng bàn tán chợt nghe tiếng còi rú inh ỏi ngoài đại lộ Pensylvania, Lầu Năm góc bị tấn công. Khói đen bay cao ngất trời. Mục tiêu tiếp theo có thể là Nhà Trắng cách đó một phố. Anh cảm thấy chưa chắc còn sống để quay về nhà với các con.

Hàng chục ngàn nhân viên vội ra lấy xe ở gara để về. Nhưng khi đó đã quá muộn. Đường phố Washington DC chật cứng. Từ gầm gara lên đến đường vài chục mét, anh đợi khoảng 6 tiếng. Con nhỏ ở trường không ai đón.

Nước Mỹ hỗn loạn, người nào cũng im lặng, vẻ mặt thất thần. So với trận ném bom của Mỹ năm 1968 ở Việt Nam hay lụt do vỡ đê của dân cố đô Hoa Lư đó, sự hoảng loạn tại thủ đô Hoa Kỳ cũng không khác mấy.

Với cậu tôi ở Trường Yên, bạn đồng nghiệp hay người thân của gần 3.000 linh hồn đã chết oan uổng dưới đống tro tàn của Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm góc hay chiếc máy bay rơi ở Pensylvania thì những kẻ gây ra tội ác đáng bị treo cổ.

Tại sao còn có người Việt Nam ghét đế quốc Mỹ. Xin hỏi cậu tôi và những người bị mất mát trong chiến tranh.

Tại sao cả nước Mỹ căm thù Bin Laden và đồng bọn. Xin hỏi những người đã sống qua ngày 11/9 trong sự hoảng loạn đến tột cùng.

Tại sao một số dân Palestine lại hân hoan vào ngày 11/9? Xin đến bờ Tây, Dải Gaza xem họ sống như tù nhân trên chính tổ quốc mình.

Nước Mỹ thay đổi sau khi người lính cuối cùng rút khỏi Sài Gòn năm 1975. Cú đâm máy bay vào tòa tháp đôi và Lầu Năm góc của Bin Laden đã thay đổi cả thế giới.

Tổng thống Nixon muốn Việt Nam đầu hàng, nhưng phải ngồi vào hội nghị Paris, để cuối cùng rút chạy trong cay đắng. Tổng thống Bush định đưa thế giới từ đa cực thành đơn cực do Mỹ làm bá chủ nhưng thất bại. Quốc gia Nga hay cạnh tranh với Mỹ đã không còn mạnh như trước, nhưng cùng lúc đó, Trung Quốc và Ấn Độ lại trỗi dậy.

Tìm cách tiêu diệt hết kẻ thù để không còn khủng bố như Bush muốn là không thể. Giải tán Taliban ở Afganistan, treo cổ Sadam Hussen tại thành Baghdad lại có những thế lực khác thích máu đổ lại nổi lên.

Khi những kẻ thông minh dùng trí não cho việc giết đồng loại thì rất đáng sợ. Bin Laden đạo diễn vụ tấn công nước Mỹ là một minh chứng. Basayev tổ chức tấn công trường học Beslan ở Nga có kịch bản tương tự, giết càng nhiều càng tốt.

Để cho sự kiện đau đớn như 11/9 hay chiến tranh Việt Nam không xảy ra, cần có tầm nhìn nhân loại. Nếu chỉ nhìn thấy biên giới quốc gia, như cậu tôi thấy lũy tre quanh làng ở Hoa Lư, hay đồng nghiệp nhìn qua hàng rào nhà mình bên DC, chắc chắn còn xung đột.

Thế giới phẳng cần lãnh đạo “phẳng”, chính trị “phẳng”, chiến lược “phẳng”, nghĩa là tìm ra giải pháp đôi bên hay nhiều bên cùng có lợi. Cách tiếp cận “trạng chết chúa cũng băng hà” để tìm cách "san phẳng" nhau chỉ mang lại thêm đau khổ. Khăng khăng cái “lưỡi bò” làm của riêng thì nhất định sẽ còn hàng xóm thù địch lẫn nhau.

Bàn về 11/9, người đồng nghiệp đã bình tâm hơn. Anh nói, giá như mọi người biết đặt quyền lợi của mình trong cái chung, sẽ không có thảm họa. Nếu nghĩ đến cả cộng đồng thì ai cũng là người chiến thắng. Vơ vét cho riêng mình sẽ tự tiêu diệt. Cộng đồng toàn những kẻ tham lam, bạc bẽo, ngày kia sẽ tàn lụi.

Xa hơn nữa là tầm quốc gia và toàn cầu. Nghĩ đến “của mình, nước mình” thì thảm họa kiểu 11/9 hay chiến tranh Việt Nam tương tự sẽ còn, mà kẻ ích kỷ gây ra chưa chắc đã thoát bị trừng phạt, bằng cách này hay cách khác, dưới dạng này hay dạng khác.

Chỉ có điều, người lương thiện như cậu tôi, bạn tôi, người viết bài và kể cả độc giả sẽ bị thiệt thòi nhất. Bài học 11/9 với Twin Tower bị "san phẳng" thành Ground Zero hay cuộc ném bom "san phẳng" Việt Nam còn đó mãi với nhân loại.

*
Hiệu Minh
http://vietnamnet.vn/thegioi/binhluan/2009/09/868084/

Bean & Harry