PISA VÀ GIÁO DỤC PHẦN LAN
Vài nét về PISA
Vào năm 1997, các nước công nghiệp phát triển (OECD) [1] nhất trí tham gia vào một dự án xây dựng các tiêu chí, phương pháp, cách thức kiểm tra và so sánh học sinh giữa các nước OECD và các nước khác trên thế giới , được biết đến dưới tên gọi Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programe for International Student Assessment - PISA).
Tham gia vào dự án này là các chuyên gia giáo dục quốc tế hàng đầu, phối hợp với chính phủ các nước OECD. ACER, hội đồng nghiên cứu giáo dục của Úc, hỗ trợ quá trình này thông qua việc xây dựng phương pháp, quy trình điều tra, thiết kế phiếu điều tra theo chuẩn thống nhất, xây dựng chương trình kiểm tra trên máy tính, xây dựng và phát triển những phần mềm lưu giữ và phân tích số liệu. Tổng thời gian hoàn thành tài liệu điều tra là 6 giờ rưỡi, trong đó học sinh làm một bài thi viết 2 giờ. Bài thi viết gồm 2 phần: phần trả lời câu hỏi trắc nghiệm và một phần là trả lời câu hỏi viết. Học sinh trả lời phiếu điều tra về thông tin như thói quen và động cơ học tập, phương pháp học tập và các thông tin về gia đình. Giáo viên các trường trả lời phiếu điều tra về trường và tài chính của trường. Những thông tin này giúp xác định ra các nhân tố tác động tới kết quả điều tra. Sau kỳ điều tra, phải mất ít nhất một năm để phân tích, xây dựng và hoàn thành các báo cáo.
Điều tra được tiến hành ba năm một lần (lần đầu vào năm 2000) tập trung vào khả năng ứng dụng kiến thức của học sinh 15 tuổi (ở Phần Lan là học sinh lớp 9) – năm cuối của giáo dục bắt buộc - trên các lĩnh vực đọc hiểu, toán, khoa học tự nhiên, và xử lý tình huống; mỗi đợt đánh giá đặt trọng tâm vào một trong 4 môn học nêu trên (trọng tâm ở môn nào thì 2/3 số câu hỏi sẽ tập trung vào môn đó). Bốn kỹ năng này được xem là nền tảng cho học sinh trong cuộc sống. Trước khi có PISA, chưa từng có điều tra so sánh về nền giáo dục giữa các nước. Tham gia dự án này, các nước đều có chung mục đích là để hoàn thiện và chuẩn hóa nền giáo dục quốc gia nhằm tăng tính cạnh tranh để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Tôn chỉ của PISA không phải là để điều tra khối lượng kiến thức học sinh học được trong nhà trường mà điều tra khả năng học sinh ứng dụng như thế nào những kiến thức học được từ nhà trường vào những tình huống ứng dụng hữu ích trong cuộc sống. Cho tới nay, PISA đã tiến hành 3 đợt đánh giá, lần lượt vào năm 2000, 2003 và 2006. Kết quả của năm 2000 và 2003 đã được công bố. Kết quả của năm 2006 sẽ được công bố vào ngày 4 tháng 12/2007 vào lúc 12h theo giờ Paris. Phần Lan đã tham gia vào tất cả các cuộc điều tra của PISA.
Năm 2000 có 265.000 học sinh từ 32 nước trong đó 28 nước OECD tham gia điều tra PISA, đặt trọng tâm vào đọc hiểu. Năm 2003 có 275.000 học sinh của 41 nước (30 nước OECD) tham gia điều tra, đặt trọng tâm vào toán học. Năm 2006 có 58 nước tham gia, tập trung vào khoa học. Kết quả điều tra năm 2006 sẽ được công bố vào cuối năm 2007. Công tác chuẩn bị cho điều tra 2009, tập trung vào đọc hiểu, đã bắt đầu được tiến hành. Đến cuối 3/2007 đã có 63 nước chính thức đề nghị tham gia và dự kiến sẽ có có thêm nhiều nước đăng ký.
PISA và Phần Lan
Phần Lan tham gia ngay từ đầu vào các cuộc điều tra của PISA. Năm 2000, có 4864 học sinh từ 156 trường của Phần Lan tham gia. Học sinh Phần Lan đứng đầu tuyệt đối về kỹ năng đọc hiểu, và trong nhóm đứng đầu về toán và khoa học tự nhiên. Năm 2000 chưa điều tra về giải quyết tình huống.
Năm 2003, Phần Lan có 5796 học sinh đến từ 198 trường khác nhau từ khắp cả nước. Phần Lan đứng đầu tuyệt đối về đọc hiểu và toán; cùng Nhật đứng đầu về khoa học tự nhiên; đứng thứ 2 sau Hàn Quốc về giải quyết tình huống.
Ngoài thành tích đứng đầu bảng xếp hạng trong cả hai đợt điều tra, có một số đánh giá trong báo cáo của OECD đã gây được sự chú ý đặc biệt của các chuyên gia giáo dục thế giới và là những tiêu chí rất khó vượt qua đối với các nước. Thứ nhất, trong tất các các môn thi sự chênh lệch trình độ giữa các sinh viên Phần Lan – giữa học sinh kém nhất và học sinh giỏi nhất - là nhỏ nhất so với các nước OECD. Nói cách khác, trình độ học sinh Phần Lan đồng đều nhất. Thứ hai, sự khác biệt về trình độ học sinh giữa các trường dự thi là rất nhỏ - trình độ giữa trường giỏi nhất và trường kém nhất là 5%, chỉ đứng sau Iceland (4%). Thứ ba, đối với các nước khác, địa vị xã hội của trường ảnh hưởng lớn tới kết quả thi. Nói cách khác, học sinh ở các trường có tiếng, trường chuyên, trường ở các thành phố lớn thì kết quả thi của học sinh ở trường đó cao hơn các trường ít danh tiếng và trường ở tỉnh, huyện. Riêng ở Phần Lan và Iceland, địa vị xã hội của trường không ảnh hưởng tới kết quả thi của học sinh và chênh lệch trình độ giữa các trường là thấp nhất. Thứ tư, hoàn cảnh gia đình (địa vị xã hội, và trình độ học vấn của bố mẹ, điều kiện kinh tế của gia đình) không ảnh hưởng đến trình độ của học sinh. Ở điểm so sánh này, Phần Lan chỉ đứng sau Iceland. Thứ 5, số giờ học ở trường của học sinh Phần Lan ít hơn nhiều so với mức trung bình của các nước OECD. Trung bình học sinh ở tuổi 15 ở Phần Lan học 30 giờ một tuần, kể cả học trong lớp và các hoạt động ngoại khóa. Trong khi đó mức trung bình của các nước OECD là 35 giờ và riêng ở Hàn Quốc là 50 giờ. Nếu tính riêng về toán thì trung bình một tuần học sinh Phần Lan học 4.5 giờ trong khi đó mức trung bình của OECD là 7 giờ. Điểm cuối cùng, so với giáo viên của OECD giáo viên Phần Lan có vai trò lớn hơn nhiều trong việc quyết định các hoạt động trong trường như chương trình giảng dạy, giáo án từng môn, sách giáo khoa, phương pháp đánh giá học sinh và các chính sách nội bộ của trường.
Tác động của PISA
Đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, kết quả điều tra PISA lần đầu tiên sau khi được công bố là một sự “cảnh tỉnh thô bạo – a rude awakening” về thực trạng nền giáo dục các nước OECD và các nước tham gia PISA. Dù ít hay nhiều, các nước tham gia PISA đều bị “sốc”, kể cả Phần Lan. Trước khi có điều tra PISA, chưa từng có một cuộc điều tra nào so sánh trình độ học sinh giữa các nước. Thực tế là các nước, đặc biệt là các cường quốc lớn như Đức, Anh, Pháp, Mỹ đều “tự hào” và cho rằng nền giáo dục của mình là ưu việt nhất, là cái nôi sản sinh ra những thiên tài, triết gia và các nhà bác học, là động lực cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, nền giáo dục của Đức - từng được xem là niềm tự hào châu Âu, là nơi sản sinh ra các vĩ nhân mọi thời đại, nhưng kết quả yếu kém sau hai lần điều tra (đứng dưới mức trung bình OECD) đã khiến toàn xã hội đứng trước tình trạng “tự vấn”. Nhiều tranh luận trong nước đồng cảm với ý kiến nhận xét có phần “chua chát” của David Gordon Smith, phóng viên báo Spiegel của Đức: “có vẻ như còn phải rất lâu nữa thì nền giáo dục lỗi thời của nước Đức ngày nay mới sản sinh ra những thiên tài như Einstein và Goethe …”. Nhận thức được thực trạng hệ thống giáo dục đã “lỗi thời”, nước Đức đã “mổ xẻ” những khuyết tật trong hệ thống giáo dục của mình, và đã đưa ra những sửa đổi căn bản hệ thống giáo dục quốc gia theo mô hình Phần Lan, đặc biệt là hệ thống giáo dục toàn diện.
Tất cả những điều này khiến giáo dục Phần Lan đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Truyền thông BBC của Anh ra hàng loạt phóng sự về hiện tượng Phần Lan. Chuyên gia giáo dục Phần Lan được mời đi hầu hết các nước OECD và ngoài OECD để thuyết trình về mô hình giáo dục của mình. Hàng trăm đoàn quan chức và chuyên gia giáo dục từ các nước OECD, đặc biệt là Đức và Anh, đổ về Helsinki để khám phá triết lý của một nền giáo dục vốn xa lạ với thế giới. Bộ giáo dục Phần Lan “quá tải” trước những đề nghị “trao đổi kinh nghiệm giáo dục” từ các nước. Để thỏa mãn tất cả những yêu cầu của các nước, một năm sau khi kết quả điều tra lần thứ hai được công bố vào cuối năm 2004, Phần Lan liên tiếp tổ chức ba cuộc hội thảo quốc tế về giáo dục trong năm 2005. Hội thảo đầu tiên tổ chức vào tháng 3/2005 chủ đề là bí quyết thành công giáo dục Phần Lan (có 300 quan chức và chuyên gia giáo dục tới từ 30 nước). Hội thảo thứ 2 tổ chức 10/2005 tập trung vào chủ đề về các nhân tố quyết định kết quả PISA của Phần Lan (có 130 quan chức và chuyên gia giáo dục tới từ 30 nước), Hội thảo thứ 3 tổ chức vào tháng 12/05 thu hút gần 500 quan chức và chuyên gia giáo dục từ 35 nước tập trung vào chủ đề những chính sách hỗ trợ học tập và phúc lợi trong giáo dục toàn diện. Ngoài các cuộc thảo luận chung, thảo luận nhóm, Phần Lan tổ chức cho tất cả các đại biểu, chia ra làm nhiều nhóm, thăm quan và dự giờ học ở các trường trong hệ thống trường học toàn diện ở Phần Lan. Nội dung của các hội thảo này được công khai trên Internet. [Mar05 --- Oct05 --- Dec05]
Trong loạt phóng sự đưa trên BBC, phóng viên cho rằng do nhận thức được rằng con đường duy nhất cho một nước nhỏ để giữ mức độ phát triển cao và duy trì nền kinh tế cần hàm lượng tri thức lớn chỉ có giáo dục chất lượng mới tạo ra được những lĩnh vực mới, việc làm mới, kỹ năng mới cho người lao động. Năm 2004, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp Phần Lan là nước cạnh tranh nhất, gọi Phần Lan là nước có “văn hóa sáng tạo”. Thành công của giáo dục là nhờ hệ thống giáo dục đồng bộ, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho học sinh từ lớp 1-9, không phân cấp như Anh và hầu hết các nước khác trên thế giới (ở Anh học sinh 11 tuổi phải chuyển cấp). Theo OECD, số giờ học ở trường đối với học sinh từ 7-14 tuổi ở Phần Lan là thấp nhất trong các nước OECD. Chi phí cho giáo dục đứng thứ 2 trong các nước OECD. Triết lý giáo dục là miễn phí và cưỡng bức bình đẳng bằng mọi giá, khác nhiều so với Anh. Độ tuổi đi học ở Anh là 5 và học nửa ngày trong khi đó Phần Lan là 7 và học cả ngày. Học sinh Phần Lan được nghỉ nhiều hơn các nước khác 10 tuần hè, giáo dục gắn trách nhiệm lớn hơn cho gia đình, nhất là thói quen đọc sách trong thời gian nghỉ hè, và được hỗ trợ bởi một hệ thống thư viện tốt nhất thế giới, qua PISA đã chứng minh là học sinh có kỹ năng đọc tốt nhất thế giới. Phần Lan nỗ lực có ý thức bảo đảm những giáo viên tốt nhất trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Chỉ trong một thời gian ngắn, Phần Lan đã chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế kỹ nghệ cao, tất cả bí quyết nằm ở giáo dục. Loạt phóng sự này được đăng tải trên trang web của BBC
Một số đặc điểm và triết lý của hệ thống trường học toàn diện
Hệ thống trường học toàn diện (comprehensive schools) bắt đầu được thực hiện từ những năm 1970s, chấm dứt hoàn toàn việc phân loại học sinh, thi chuyển cấp, và hai hệ thống trường học song song (parallel system) (cấp 1 và 2) như ta và đa số các nước khác. Từ đó cho tới nay, hệ thống được dần hoàn thiện và tới năm 90s áp dụng cho toàn bộ học sinh trong độ tuổi, kể cả những học sinh khuyết tật hoặc thiểu năng trí tuệ.
Bắt đầu từ 7 tuổi học sinh Phần Lan bắt đầu học trong hệ thống trường học toàn diện. Trước khi học lớp 1, học sinh học trong các trung tâm chăm sóc trẻ em (day care centre) và tất cả học sinh 6 tuổi học một năm dự bị tiểu học (pre-school), có thể học trong các trung tâm chăm sóc trẻ (day care centre) hoặc học ngay trong hệ thống trường học toàn diện. Theo đó, trong vòng 9 năm học (từ lớp 1 tới lớp 9) học sinh sẽ được học trong một trường, cùng một lớp, với thầy cô giáo trong cùng một trường và với bạn bè cùng lứa. Chín năm học trong hệ thống trường học toàn diện, theo luật, là giáo dục bắt buộc. Sáu năm đầu, học sinh được học với giáo viên đứng lớp (class teacher). Giáo viên đứng lớp dạy toàn bộ hoặc phần lớn các môn. Ba năm cuối, học sinh sẽ học với giáo viên bộ môn (subject teacher).
Khác với hệ thống song song – ba năm một lần hoặc sáu năm một lần sàng lọc học sinh theo trình độ, đa số dựa trên hệ thống chấm điểm kiểm tra các môn học - Phần Lan tin rằng con người sinh ra, trừ những trường hợp có khuyết tật bẩm sinh và tài năng thiên bẩm thuộc thiểu số không đáng kể, còn lại đa số có trình độ như nhau. Học sinh cần có cơ hội học tập tốt nhất và bình đẳng với nhau; việc sàng lọc phân loại học sinh theo điểm số trong thời gian này theo khoa học là quá sớm và sẽ làm thui chột các tài năng. Thời gian học tập đầu đời là quan trọng nhất và giáo viên là yếu tố quyết định. Để có một nền tảng đủ vững, có đủ tự tin, hoài bão và năng lực tự lựa chọn các ngành học cao hơn, học sinh cần nhận được sự đầu tư tốt nhất. Cùng những năm 70s, Đức và Phần Lan cải tổ giáo dục, mặc dù có tham khảo mô hình của nhau, song mỗi nước theo cách riêng của mình. Sau 30s năm, đặc biệt sau PISA, nước Đức đã phải thừa nhận mô hình của Phần Lan đem lại kết quả vượt trội.
Hệ thống giáo dục toàn diện là vì sự phát triển con người (human development). Hoàn thành chương trình giáo dục toàn diện, học sinh có được trình độ như nhau, nhưng bước đầu đã có sự phân loại về năng khiếu. Hệ thống toàn diện bảo đảm cho học sinh ngoài kiến thức (knowledge) cơ bản, học sinh được học các kỹ năng (skills) để áp dụng các kiến thức vào thực tế. Ngoài các môn học bắt buộc (toán, lý, hóa, khoa học…) học sinh dần dần được quyền lựa chọn các môn học phụ. Trong sáu năm đầu học sinh học theo các môn do bộ giáo dục quy định (subject-based), chưa có nhiều quyền lựa chọn. Tuy thế, do ngôn ngữ được xem như là kỹ năng cơ bản nhất, bắt đầu vào lớp ba (10 tuổi), lần đầu tiên học sinh (với sự hỗ trợ của cha mẹ và giáo viên tư vấn) được quyền lựa chọn hoặc là học ngôn ngữ chính thứ hai (tiếng Thụy Điển) hoặc là ngoại ngữ (tiếng Anh). Vào lớp 7 (14 tuổi) học sinh bắt buộc phải lựa chọn một ngôn ngữ thứ ba (nếu đã chọn tiếng Anh thì bắt buộc phải học tiếng Thụy Điển). Và tới hết chương trình bắt buộc (17 tuổi), học sinh đã thạo ba thứ tiếng Phần Lan, Thụy Điển và tiếng Anh. Bắt đầu từ lớp sáu, học sinh bắt đầu học theo các khóa học (course-based). Từ thụ động (subject-based), hệ thống course-based cho phép học sinh dần dần chủ động hơn trong việc lựa chọn các môn học theo sở thích. Ngoài các course bắt buộc theo quy định toàn quốc (như toán, lý, hóa, khoa học…), 20% số giờ học dành cho các môn do học sinh tự chọn. Một năm học, trong tổng số trung bình 30 courses, học sinh có thể học 6 courses tự chọn (ví dụ như vi tính, làm website, nấu ăn, thiết kế thời trang, nhạc, họa, các môn thể thao…). Có khoảng 20 courses tự chọn khác nhau cho mỗi năm học. Hệ thống được thiết kế sao cho càng học lên cao, học sinh càng có nhiều quyền tự do lựa chọn.
Cùng với việc chuyển sang hệ thống giáo dục toàn diện, một thay đổi quan trọng mang tính quyết định thành công giáo dục Phần Lan hiện nay là việc đào tạo giáo viên dạy trong hệ thống giáo dục toàn diện chuyển hoàn toàn sang cho các trường đại học. Trước đó, giáo viên được đào tạo trong trường sư phạm (như ta hiện nay). Chuyển việc đào tạo giáo viên sang các trường đại học cho phép các khoa trong trường đại học chọn được những sinh viên chuyên khoa xuất sắc nhất, có tâm huyết nhất để đào tạo trở thành giáo viên. Thay vì tuyển sinh đại trà vào các trường sư phạm, các chuyên khoa toán, lý, hóa, sinh, khoa học… có điều kiện lựa chọn những sinh viên xuất sắc nhất để đào tạo trở thành giáo viên đứng lớp, giáo viên bộ môn, giáo viên đặc biệt hoặc chuyên gia tư vấn. Trên thực tế, chỉ 10% số sinh viên đăng ký được chọn để học trở thành giáo viên. Thay vì đào tạo tại trường sư phạm, giáo viên được đào tạo tại khoa đào tạo giáo viên phối hợp với các các chuyên khoa trong trường đại học.
Chi phí cho hệ thống trường học toàn diện của các trường do chính phủ bao cấp. Học sinh trong hệ toàn diện (và toàn bộ hệ thống giáo dục) được học hoàn toàn miễn phí. Trường học có trách nhiệm cung cấp sách vở, giáo trình, bút viết miễn phí cho học sinh. Tất cả các trường học có hệ thống nhà ăn riêng theo tiêu chuẩn quy định bảo đảm ăn trưa miễn phí và các dịch vụ y tế miễn phí ngay tại trường. Học sinh bình thường được hưởng trợ cấp trong việc sử dụng dịch vụ công cộng (xe bus, xe điện, tàu điện, tàu điện ngầm). Theo luật, những học sinh cách trường học quá 5 km và các trường hợp ốm mệt đột xuất sẽ được taxi của nhà nước hàng ngày đưa tới trường.
Hệ thống toàn diện ở Phần Lan cũng có nghĩa là học sinh nhận được cơ hội học tập như nhau, với chất lượng cao nhất. Khác với đa số các nước, Phần Lan tuyệt đối không áp dụng hệ thống sàng lọc, phân loại học sinh thành các lớp chuyên, lớp chọn, chuyển trường, chuyển lớp, đúp lớp. Trong vòng 9 năm học, học sinh được bảo đảm nhận được sự giáo dục tốt nhất và bình đẳng như nhau. Để giải quyết tình trạng phải dạy học sinh cùng độ tuổi nhưng trình độ khác nhau, các trường học toàn diện xây dựng hệ thống giáo dục đặc biệt dành riêng cho các học sinh khuyết tật, học sinh cá biệt hoặc cần sự giúp đỡ tạm thời (do ốm đau hoặc có vấn đề tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình…). Ngoài các giáo viên đứng lớp và giáo viên bộ môn, trong tất cả các trường học Phần Lan đều có một đội ngũ giáo viên đặc biệt, được gọi là các chuyên gia sư phạm thực thụ, có chuyên môn và trình độ sư phạm cao hơn những giáo viên bình thường, có nhiệm vụ bổ túc cho những học sinh khuyết tật, cá biệt và cần sự giúp đỡ tạm thời để bắt kịp với các bạn cùng lứa. Các lớp đặc biệt này có thể có từ 2-5 học sinh, thậm chí một giáo viên kèm một học sinh khi cần để bảo đảm cho học sinh đó, sau khi được bổ túc (2 buổi một tuần, mỗi buổi 2 giờ sau giờ học chính) sẽ nhanh chóng bắt kịp vào lớp học chung. Hệ thống giáo viên đặc biệt này cũng loại bỏ hoàn toàn việc dạy và học thêm. Ngoài ra, các trường học Phần Lan đều có đội ngũ giáo viên tư vấn, có trách nhiệm tư vấn cho học sinh về kỹ năng học tập, xây dựng kế hoạch học tập và lựa chọn các môn học tự chọn…Hệ thống hành chính và quản lý trường, đặc biệt là tài chính hoàn toàn độc lập với đội ngũ giảng dạy. 100% giáo viên không tham gia vào hệ thống quản lý. Hiệu trưởng hoàn toàn không có quyền can thiệp vào chuyên môn của các khoa, các giáo viên.
Để bảo đảm học sinh được học trong môi trường hoàn toàn không có sức ép trong khi học tập (fear free environment) và cạnh tranh không lành mạnh, trong suốt 9 năm học, học sinh không phải dự bất kỳ một kỳ thi toàn quốc nào. Tuy nhiên, để bảo đảm cho học sinh và giữa các trường đạt được trình độ như nhau, Hội đồng giáo dục quốc gia xây dựng giáo trình chuẩn kiến thức (quy định trong national core curriculum) cho từng môn học và áp dụng trên toàn quốc. Giáo trình chuẩn kiến thức quy định mức độ tối thiểu kỹ năng và kiến thức mà học sinh ở mỗi độ tuổi cần đạt được. Hệ thống chấm điểm kiểm tra các môn học từ 4-10 gửi riêng cho từng học sinh, gia đình, và mang tính chất gợi ý, tham khảo. Điểm số trong các trường học toàn diện không mang tính quyết định mà thay vào đó là hệ thống và tiêu chí nhận xét chi tiết khả năng và đạo đức từng học sinh. Phương pháp, tài liệu và kết quả đánh giá toàn quốc bắt buộc phải công khai trên toàn quốc, thông qua website của trường và Bộ giáo dục. Hội đồng giáo dục quốc gia (National Board of Education) biên soạn giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia cực kỳ khoa học và chi tiết. Chương trình giảng dạy của mỗi trường (school curriculum) do trường biên soạn với sự tham gia của toàn bộ giáo viên của trường trên cơ sở giáo trình cơ bản quốc gia. Không có giáo án chung cho từng môn, từng lớp. Giáo án, bài giảng, phương pháp giảng dạy thuộc trách nhiệm của từng giáo viên, dựa theo giáo trình cơ bản quốc gia và chương trình giảng dạy của trường. Kể từ năm 1992, độc quyền về sách giáo khoa được xóa bỏ. Sách giáo khoa do các nhóm chuyên gia giáo dục biên soạn theo chuẩn của giáo trình cơ bản quốc gia. Việc in ấn, phát hành do nhà xuất bản tiến hành độc lập. Các trường có thể lựa chọn giáo trình phù hợp nhất với đặc thù của trường.
Từ trước đến nay, Phần Lan luôn tin rằng một nước dân số ít, nghèo tài nguyên, muốn có chỗ đứng trên thế giới, không thể nào để bất cứ một cá nhân nào đứng bên ngoài hệ thống giáo dục bình đẳng, chất lượng cao. Những mầm non (trẻ em) được đào tốt sẽ là nguồn lực bổ sung cho lực lượng lao động ngày càng già đi. Một học sinh không đủ khả năng làm việc, không những không đóng góp được cho xã hội mà còn là một gánh nặng cho hệ thống phúc lợi, vốn đã rất đắt đỏ, và luôn trong tình trạng quá tải. Chính nhờ lực lượng lao động chất lượng cao mà Phần Lan đã thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế đầu những năm 90s, và càng củng cố niềm tin vào ý nghĩa của giáo dục, nền tảng bảo đảm những cơ hội việc làm mới và những thành tựu về kinh tế. Dân số 5.2 triệu dân, trong đó lực lượng lao động 2.7 triệu người, nhưng GDP hàng năm của Phần Lan là 170 tỷ EURO (2006).
Hệ thống trường học toàn diện là vì từng trẻ em và do đó phải điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của từng trẻ em. Giảng dạy và phương pháp sư phạm ở các trường học Phần Lan theo đó đã được thiết kế để phù hợp với những nhóm học sinh có hoàn cảnh khác nhau. Phần Lan hiểu có một thực tế rằng không thể loại bỏ bất cứ một học sinh nào và theo luật các trường không được phép chuyển học sinh sống ở vùng của mình sang một trường khác. Theo nguyên lý đó, những mối quan tâm của học sinh cũng như các lựa chọn của các học sinh đều phải được các trường tính tới khi xây dựng chương trình giảng dạy (curriculum), lựa chọn nội dụng, sách giáo khoa, chiến lược giảng dạy (learning strategy), phương pháp và các công cụ đánh giá học sinh. Tất cả những yêu cầu này đòi hỏi phải có một chương trình giảng dạy linh hoạt, theo đặc điểm từng trường (school-based) và do từng giáo viên thiết kế (teacher-planned) cùng với việc giảng dạy vì học sinh (student-centred) , chế độ tư vấn, và bắt buộc phải có cơ chế giáo viên giúp đỡ các học sinh cá biệt/yếu kém (remedial teaching)
Những lý giải cho thành công của học sinh Phần Lan trong PISA
Không có một lý do duy nhất để lý giải cho thành công của Phần Lan trong PISA. Thành tích cao đó là sự tổng hòa của nhiều giá trị, triết lý và thực tiễn trong đó có một số thực tiễn nổi bật được đa số thừa nhận như sau:
Đội ngũ giáo viên có trình độ cao và văn hóa nghề dạy học
Triết lý và quy trình đào tạo khoa học đã giúp Phần Lan đào tạo ra được những giáo viên có trình độ cao mà ít có quốc gia nào theo kịp. Theo luật, tất cả giáo viên trong hệ thống giáo dục toàn diện tối thiểu phải tốt nghiệp từ thạc sỹ trở lên. Thạc sỹ sư phạm (Master of Education – M.Ed) sẽ dạy từ lớp 1 tới lớp 6 - được gọi là giáo viên đứng lớp (class teacher) và Thạc sỹ khoa học (Master of Science – M.Sc) sẽ dạy từ lớp 7 tới lớp 12 – được gọi là giáo viên bộ môn (subject teacher). Giáo viên đứng lớp phải tốt nghiệp Thạc sỹ sư phạm. Giáo viên bộ môn phải tốt nghiệp thạc sỹ khoa học hoặc cao hơn. Ngoài ra, trong tất cả các trường học, bắt buộc phải có đội ngũ giáo viên đặc biệt (chuyên dạy, bổ túc cho các học sinh yếu kém, cần sự chăm sóc đặc biệt) và các chuyên gia tư vấn giáo dục (bắt buộc tốt nghiệp từ thạc sỹ trở lên). Giáo viên đặc biệt có quyền tham gia giảng dạy như giáo viên đứng lớp và giáo viên bộ môn.
Nghề giáo viên, nhất là giáo viên đứng lớp (lớp 1 tới lớp 6), được xã hội cực kỳ coi trọng và đối với các học sinh sau khi học xong cấp ba thì lựa chọn trở thành giáo viên luôn là ngành học rất được ưa chuộng (most polular). Điều này có thể thấy rõ qua tỷ lệ sinh viên nộp ở các trường đại học để trở thành giáo viên đứng lớp (class teacher). Trong tổng số đơn nộp học trở thành giáo viên, chỉ có 10% được nhận. Điều ấy nói lên rằng những học sinh được chọn đều là các học sinh đam mê và tâm huyết (highly motivated) và đa tài (multi-talented) có kỹ năng sư phạm tuyệt vời. Không có nhiều quốc gia đào tạo giáo viên ngay tại các trường đại học và do đó giáo viên sư phạm ở Phần Lan có vị thế đặc biệt so với các quốc gia khác. Ngoài việc học phương pháp giảng dạy, các giáo viên được trang bị kiến thức khoa học về phát triển con người theo từng độ tuổi. Giáo viên Phần Lan không chỉ đơn thuần là một nhà giáo mà được xem là nhà nghiên cứu về giáo dục độc lập. Điều này xuất phát từ triết lý được phân biệt rất rõ giữa hệ thống trường đại học (university) – đào tạo theo hướng hàn lâm, học giả (academic) theo đó những người học trong hệ thống này sẽ là những người có khả năng tạo ra những người lý thuyết mới và hệ thống polytechnic – đào tạo ra những kỹ sư, công nhân để cung cấp nhân lực cho tất cả các ngành trong đời sống kinh tế (professional workers).
Về mặt lịch sử, trong khoảng 150 năm trở lại đây, dạy đọc và viết thuộc trách nhiệm của giáo viên đứng lớp. Trước đó, dạy học do nhà thờ đảm nhiệm. Với việc thông qua Luật giáo dục bắt buộc năm 1921, và mỗi khu vực dân cư (tính theo số hộ dân) đều có một trường tiểu học, giáo viên tiểu học từ đó được xem là “người đem lại ánh sáng” cho cộng đồng. Rất dễ bắt gặp trong lớp cảnh một giáo viên quỳ (sitting on his or her knees) trước bàn của học sinh để có thể nhìn thẳng vào mắt học sinh để hướng dẫn làm bài. Thời gian học tiểu học đối với mỗi trẻ em đều là thời gian ấm áp và đáng nhớ nhất. Sau mỗi buổi học, cảnh tượng thường thấy ở các trường tiểu học là học sinh thường ôm hôn tạm biệt các cô giáo. Đây là nét văn hóa gần như đã mai một ở hầu hết các quốc gia.
Giáo viên Phần Lan được trao quyền tự chủ cao và Phần Lan không có cơ chế thanh tra giáo dục. Điều này khiến cho giáo viên cảm thấy tự do hơn, có trách nhiệm hơn. Trao quyền tự chủ cho trường và giáo viên đồng nghĩa với sức ép cho hệ thống đào tạo giáo viên, theo đó người giáo viên phải được đào tạo để có trình độ như những nhà nghiên cứu giáo dục độc lập. Mỗi giáo viên phải có khả năng xây dựng giáo án riêng của mình, dựa vào hai cuốn là giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia (core national curriculum) do Hội đồng giáo dục quốc gia xuất bản và chương trình giảng dạy chi tiết do trường xây dựng. Các giáo viên cũng được tham khảo ý kiến khi xây dựng giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia và chương trình giảng dạy của trường mình. Ngoài ra, giáo viên được tự do lựa chọn sách giáo khoa cho lớp mình từ trong số các sách giáo khoa của các nhà xuất bản. Những quyền tự do này giúp giáo viên có vai trò chủ động trong công việc giảng dạy của mình, tạo cho giáo viên cảm giác thích thú trong nghề nghiệp và tạo cho giáo viên cơ hội và trách nhiệm phát triển những kinh nghiệm riêng trong nghề.
Được xem như là chuyên gia giáo dục, các giáo viên Phần lan cũng được tin tưởng về đánh giá học sinh, thường thông qua các bài tập (class work) của học sinh, những bài kiểm tra do giáo viên soạn. Tại Phần Lan, vai trò đánh giá học sinh hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên lại càng quan trọng hơn bởi học sinh không hề phải dự một kỳ kiểm tra hoặc kỳ thi toàn quốc nào trong suốt quá trình học hoặc ở cuối kỳ học ở trường học toàn diện.
Mọi học sinh cũng có quyền được hưởng hình thức tư vấn (counselling) về giáo dục. Các chuyên gia tư vấn được đạo tạo trong hệ thống đào tạo giáo viên (tối thiểu phải tốt nghiệp Thạc Sỹ) có nghĩa vụ hướng dẫn học sinh kỹ năng học, tư vấn cho học sinh lựa chọn các môn học (học sinh bắt đầu được lựa chọn các khóa học phụ từ lớp 7-9) và tư vấn cho học sinh việc lập kế hoạch học tập sau khi kết thúc giai đoạn học bắt buộc (sau lớp 9). Theo luật, tất cả các trường học đều có giáo viên tư vấn, có trách nhiệm tư vấn cho từng học sinh có nhu cầu hoặc muốn được tư vấn.
Bổ túc và bồi dưỡng giáo viên được tổ chức rất công phu. Có nhiều cơ quan giáo dục tổ chức các khóa học bổ túc và bồi dưỡng giáo viên khác nhau. Ví dụ như Hội đồng giáo dục quốc gia xây dựng nhiều chương trình bổ túc về dạy toán cho giáo viên và các tổ chức giáo dục địa phương tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên cấp cơ sở và trung học.
Các Hiệp hội giáo viên cũng tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên về giảng dạy môn toán ở cả địa phương và toàn quốc. Các Hiệp hội chính là Hiệp hội giáo viên toán, Hiệp hội giáo viên đứng lớp (lớp 1-6), Hiệp hội giáo viên lớp 1 và 2 và Hiệp hội giáo viên đặc biệt.
Mỗi trường đại học có một trung tâm bồi dưỡng giáo viên và mỗi địa phương có một Trường đại học mùa hè. Cả hai hình thức này tổ chức nhiều khóa học khác nhau trong đó có các khóa học bồi dưỡng giáo viên. Ngoài ra, các Học viện mở (Free Institutes) và các Học viện dân sự (Civil Institutes) cũng tổ chức các lớp bổ túc giáo viên. Hệ thống bổ túc giáo viên nhằm bảo đảm các giáo viên liên tục được cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy mới nhất.
Phúc lợi và văn hóa trường học
Từ xưa tới nay trẻ em và thế hệ trẻ luôn có địa vị đặc biệt trong xã hội Phần Lan. Theo mô hình nhà nước phúc lợi, hầu hết mọi dịch vụ do chính phủ cung cấp cho mọi người đều miễn phí, đặc biệt đối với trẻ em.
Mọi loại hình giáo dục đều miễn phí, không những thế hệ thống giáo dục còn nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt, từ nhiều phía. Các trường học cung cấp dịch vụ y tế miễn phí; học sinh và giáo viên được phục vụ ăn miễn phí trong trường; học sinh được sử dụng miễn phí máy tính và máy in; tất cả các máy tính trong trường đều kết nối Internet; học sinh từ lớp 1 trở đi có cơ hội tiếp cận tới các máy tính để nhận email từ nhà trường và dùng vào mục đích học tập khác; học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 được cung cấp miễn phí sách giáo khoa, vở học tập và bút chì; đối với những học sinh ốm mệt trong ngày và nhà cách trường quá 5km đều được taxi hàng ngày đưa đón tới trường miễn phí.
Các trường học ở Phần Lan đều được xây dựng khang trang và được trang bị theo tiêu chuẩn. Trường học là một không gian mở theo nhiều nghĩa. Quanh trường không được có tường bao và bất kỳ ai cũng có thể vào trường từ tất cả các cửa. Giáo viên và công tác giảng dạy không phải chịu bất kỳ sự thanh tra nào. Học sinh được tự do thoải mái trong phong cách ăn mặc. Giao tiếp giữa giáo viên và thầy giáo không chịu sự ràng buộc về lễ nghi. Tuy thế, sự kính trọng của học sinh đối với giáo viên trong trường, đặc biệt là trong các trường tiểu học là hiện hữu. Sự kính trọng đó chủ yếu xuất phát từ đạo đức và trình độ của giáo viên.
Không khí trong trường tương đối yên lặng, đặc biệt trong lớp học. Giáo viên do đó có tâm trạng thoải mái dạy dỗ học sinh và giúp tăng hứng thú của giáo viên trong công việc giảng dạy. Giáo viên có quyền phô tô các bài giảng để phát cho học sinh làm tài liệu giảng dạy với số lượng không hạn chế. Những tài liệu như vậy và các tài liệu khác đều được phát miễn phí. Trong mỗi lớp học đều có bồn rửa tay và giấy vệ sinh. Lớp học, hành lang, phòng nghe, hội trường và phòng tắm luôn sạch sẽ và ấm cũng. Chính vì thế học sinh có thể mặc quần sóc và đi dép trong nhà trong trường, tạo cảm giác như đang ở nhà.
Mỗi tiết học kéo dài 45 phút. Giữa hai tiết có 15 phút nghỉ giải lao trong lớp. Theo truyền thống cứ giờ nghỉ giải lao giáo viên sẽ cho mở cửa sổ để học sinh có thể hít khí trời, kể cả mùa đông. Giữa giờ nghỉ chính, đặc biệt là đối với học sinh từ lớp 1 tới lớp 6, học sinh phải rời phòng học và đi thư giãn ở trong khuôn viên của trường. Các giáo viên, theo luân phiên, sẽ chơi cùng trẻ em để trông trẻ trong thời gian chơi ở ngoài. Hàng ngày, giáo viên và học sinh ăn cùng nhau trong nhà ăn của trường. Hiệu trưởng có thể liên lạc với tất cả các lớp thông qua hệ thống loa nối tới từng lớp học để có thể có những thông báo chung cho toàn trường hoặc thông báo riêng cho từng lớp học.
Sĩ số trung bình một lớp học ở Phần Lan là từ 15 tới tối đa là 25 học sinh và điều đó tạo điều kiện để giáo viên có thể quan tâm tới từng học sinh. Quan hệ giữa học sinh và giáo viên đối với từng học sinh cũng tốt hơn và giáo viên có thể hiểu rõ học lực, tính cách và tâm tư của từng học sinh.
Từ quan điểm của xã hội và khoa học giáo dục, sỹ số như thế sẽ tạo ra sự thân tình giữa giáo viên và học sinh. Bữa ăn trưa ở trường với giáo viên cũng giống như một bữa ăn trong một gia đình lớn. Thức ăn trong trường tương tự như thức ăn trong các gia đình, bao gồm một món ăn chính nóng, ăn kèm với bánh mì, salad, đồ ăn tráng miệng và đồ uống là sữa tươi. Thực phẩm bao giờ cũng phải tươi và được chế biến cẩn thận. Hệ thống bếp ăn và nhà ăn được thiết kế theo tiêu chuẩn bảo đảm tạo cảm giác thoải mái. Chính vì thế hầu hết học sinh thích ăn ở trường hơn ở nhà.
Từ quan điểm học tập, sỹ số lớp không quá đông nên giáo viên có thể chăm sóc học sinh. Khi phát hiện ra học sinh học đuối ở một môn học nào đó (nguyên nhân có thể do nhận thức, do tâm lý, hoặc ốm mệt thông thường…), giáo viên đứng lớp hoặc giáo viên đặc biệt sẽ lập kế hoạch giúp đỡ học sinh đó. Ngoài các hình thức giúp đỡ ngay tại lớp, giáo viên đặc biệt sẽ tổ chức lớp học bồi dưỡng (support class) gồm một số em cùng yếu một môn hoặc dạy kèm riêng cho một em đó. Sỹ số lớp nhỏ cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn để các học sinh thân thiết với nhau và chính các em khá có điều kiện giúp đỡ bạn mình.
Trường cũng tổ chức những cuộc gặp với phụ huynh học sinh (sau giờ học và giờ làm việc) để thảo luận những vấn đề chung. Những buổi gặp gỡ giữa giáo viên và phụ huynh là bắt buộc. Ngoài các buộc gặp chung, phụ huynh học sinh được thu xếp gặp riêng giáo viên đứng lớp. Các giáo viên, đặc biệt là giáo viên lớp 1 và 2, một năm ít nhất một lần phải thăm gia đình các em học sinh.
Trường học ở Phần Lan không có khái niệm trừng phạt (bạo hành học sinh). Khái niệm trừng phạt học sinh tuyệt đối không nằm trong tư duy của các giáo viên, một phần tư duy đó là do giá trị bình đẳng xã hội ăn vào tiềm thức, một phần là được giáo dục trong chương trình đào tạo. To tiếng với học sinh cũng là điều không cần thiết. Trừng phạt và trù dập (control) học sinh không phải là đặc tính trong nghề giáo Phần Lan. Mục đích công việc giảng dạy của giáo viên là hỗ trợ cho học sinh phát triển. Một điều tưởng chừng đơn giản thuộc về đạo đức nhà giáo nhưng ít quốc gia làm được là nếu như học sinh tiểu học để quên sách ở nhà thì giáo viên sẽ mang tới một cuốn sách mới và không được trách mắng học sinh.
Phần Lan có luật bình đẳng giữa các trường học toàn diện, được thông qua vào năm 1998. Điều này phản ảnh truyền thống và giá trị bình đẳng trong xã hội Phần Lan. Phần Lan chỉ có một số rất ít trường tư và ngay cả trường tư thì tài chính phần lớn cũng là từ chính quyền và niềm tin vào hệ thống trường công được tạo dựng từ lâu đời. Học sinh tới trường không những được học tập mà còn được hỗ trợ cho quá trình phát triển. Bài tập về nhà không được tạo áp lực. Theo quy định, giáo viên không được giao bài tập cho học sinh trước các kỳ nghỉ dài và trước kỳ nghỉ cuối tuần. Làm như vậy là để học sinh có điều kiện hình thành những sở thích riêng và tham gia vào các hoạt động năng khiếu, đặc biệt là năng khiếu về âm nhạc và thể thao sau giờ học ở trường. Không có áp lực từ nhà trường và xã hội đối với học sinh trong thời gian nghỉ hè, do đó đây là thời gian đặc biệt quan trọng với học sinh và gia đình. Với gia đình, hè là khoảng thời gian để các gia đình có điều kiện hơn trong chăm sóc con cái (tổ chức đi nghỉ hè trong gia đình, dạy học sinh những kỹ năng, nghề nghiệp gia đình…). Đối với học sinh, đó là khoảng thời gian vui chơi quý báu, có điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội và hình thành các sở thích và năng khiếu riêng.
Trường học Phần Lan không chỉ chuẩn bị cho tương lai của học sinh mà còn bảo đảm học sinh có một cuộc sống tốt đẹp trong thời gian học tập. Các trường tạo được niềm tin tuyệt đối cho cha mẹ và giáo viên là những người có tâm hỗ trợ cho sự phát triển của từng học sinh, đặc biệt những trẻ em kém may mắn.
Tính linh hoạt của chương trình đào tạo và tự chủ sư phạm.
Cho tới những năm 90s, giáo trình chuẩn kiến thức quốc gia (national core curriculum) vốn rất chặt chẽ và chi tiết về cấu trúc, việc tổ chức, nội dung, resources và các phương pháp truyền đạt trong toàn bộ quá trình học toàn diện đều được quy định trong giáo trình – sách giáo khoa được kiểm soát tỷ mỉ, mục đích là để bảo đảm tính thống nhất cao về giáo dục giữa các trường và các lớp học. Đầu những năm 90s, Phần Lan thay đổi căn bản triết lý xây dựng giáo trình và thực tiễn áp dụng (practice). Giáo trình được tổ chức lại, theo hướng linh hoạt hơn, phân quyền và ít chi tiết hơn. Cũng theo hướng đó, các vấn đề về trách nhiệm của các trường, về chương trình kiểm tra quốc gia, định hướng (guideline) về chấm điểm cũng được áp dụng. Guideline chấm điểm không quá cứng nhắc, xem xét tới cả nỗ lực và các hoạt động ngoại khóa của học sinh. Kết quả học tập của toàn bộ các trường học toàn diện trong chín năm được làm theo một bản điều tra dựa trên mẫu sẵn (report card). Kết của các trường được đánh giá bởi Hội đồng giáo dục quốc gia và gửi riêng tới từng trường.
Các giáo viên Phần Lan có quyền tự quyết cao liên quan tới việc quản lý cũng như ra các chính sách trong trường. Họ có tiếng nói cao hơn so với các giáo viên trong OECD trong việc quyết định nội dung khóa học, chọn sách giáo khoa, đưa ra các chính sách đánh giá học sinh, quyết định trường sẽ dạy các khóa nào và phân bổ ngân sách trong trường. Trái lại, giám sát các bộ phận trong trường và các cơ quan giáo dục địa phương thì giáo viên Phần Lan có ít quyền hơn so với OECD. Điều này cũng có nghĩa là giáo viên tập trung nhiều hơn vào công viên chuyên môn. Thực tế kết quả PISA cho thấy nước nào mà trường có quyền tự chủ cao hơn đạt kết quả cao hơn. Mức độ tự chủ cao của trường và giáo viên có thể được xem là nhân tố quyết định việc Phần Lan đạt thành tích cao trong PISA.
Sự thuần nhất văn hóa giáo dục
Trong một thời gian dài, hệ thống trường học toàn diện của Phần Lan đã được gia cố (underpinned) bằng sự đồng thuận chính trị rộng rãi (exceptionally broad) về những hướng đi chính của chính sách giáo dục quốc gia. Phần Lan hiếm khi chứng kiến những sự thay đổi đột ngột và các cuộc xung đột mang tính chính trị sâu sắc về tư duy giáo dục (educational thinking). Như trong suốt thế kỷ 20, các dịch vụ giáo dục (educational services) phát triển đồng đều và hòa hợp với (in agreement with) nhu cầu của các nhóm và vùng dân cư. Ngày nay – nhờ và chất lượng đào tạo giáo viên cao – mọi công dân đều được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao. Điều này – một lần nữa – được phản ảnh ở mức độ khác biệt thấp hơn nhiều mức trung bình OECD trong kết quả giáo dục ở từng học sinh và ở cấp độ hệ thống.
Do có nền văn hóa đồng nhất và dân trí cao nên Phần Lan có phần dễ dàng hơn để đạt được sự hiểu biết chung về chính sách giáo dục quốc gia và các phương cách (means) để phát triển hệ thống giáo dục. Thậm chí việc cải cách (mang tính cách mạng) chuyển sang hệ thống giáo dục toàn diện (nội hàm là bình đẳng hơn) trong những năm 1970s cũng không gặp phải những mâu thuẫn chính trị quá lớn. Sự thực là trong suốt thời gian từ thập kỷ 60s tới thập kỷ 70s thì đã có sự đồng thuận rộng rãi trên toàn quốc rằng hệ thống giáo dục song song (parallel system) cần phải được thay thế bằng một hệ thống toàn diện bình đẳng hơn. Từ đó đến nay giáo dục hiếm khi trở thành chủ đề chính trị và xã hội gây tranh cãi ở Phần Lan. Phải thừa nhận rằng lúc này lúc khác cũng có một vài tiếng nói hoài nghi rằng hệ thống giáo dục toàn diện vô hình chung đã cào bằng (even out) và như thế thì trình độ chung của toàn bộ học sinh bị kém đi, đặc biệt là đã không kích thích những nhân tố xuất chúng. Thế nhưng những lập luận theo hướng này chưa bao giờ nhận được sự hưởng ứng từ số đông.
Vốn là một quốc gia thuần nhất về văn hóa, Phần Lan đã trở thành một hình mẫu (exemplary) trong việc quan tâm tới các nhóm dân thiểu số. Phần Lan có hai ngôn ngữ chính, 94% dân số sử dụng tiếng Phần Lan chiếm và 6% còn lại là tiếng Thụy Điển. Mọi người dân cho dù ở nhóm ngôn ngữ nào cũng bình đẳng với nhau, nhận được những nguồn lực như nhau trong giáo dục, được dạy bằng thứ tiếng của mình từ cấp tiểu học cho tới đại học. Các nhóm thiểu số còn lại ở Phần Lan tương đối nhỏ. Theo số liệu PISA, học sinh không phải bản xứ chỉ chiếm 1 % so với mức trung bình của OECD là 4.7% và và những học sinh không nói thứ tiếng dùng để đánh giá chỉ chiếm 1.3% trong tổng số học sinh Phần Lan, so với mức trung bình OECD là 5.5%.
* * *
Nhìn chung lại, kết quả PISA cho thấy không chỉ có một lý do duy nhất để lý giải cho thành tích cao của Phần Lan qua PISA. Mà nói đúng hơn thành tích là sự tổng hòa nhiều nhân tố gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó nổi bật là triết lý giáo dục toàn diện, trình độ giáo viên, phúc lợi trường học, tự chủ sư phạm và đồng nhất về văn hóa là những nhân tố quan trọng giúp định hình và đưa giáo dục Phần Lan trở thành một hình mẫu và mơ ước của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, mạng lưới thư viện rộng khắp, uy tín (prestige) / bề dày văn hóa giáo dục, kỳ vọng cao đặt vào nhà giáo, kinh nghiệm sư phạm và các chiến dịch gần đây nhằm nuôi dưỡng ý thức đọc, tất cả ít hay nhiều đều đóng góp vào thành tích cao của Phần Lan.
-----------------------------
Phần viết thêm
Từ xưa tới nay, Phần Lan vẫn được xem là là một nước nhỏ ở Bắc Âu với dân số khoảng 5.2 triệu người. Diện tích 338.000 km2, rộng thứ 6 Châu Âu, mật độ dân số 17 người/km2. Rừng chiếm 2/3 diện tích, 1/10 là hồ (50.000 hồ, hồ rộng nhất 4.400 km), các tài nguyên khác không đáng kể. Nông nghiệp không phát triển được (chiếm khoảng 6% GDP) do thiên nhiên khắc nghiệt, mùa hè chỉ khoảng 15 tuần; mùa đông dài, băng giá; 8 tuần mùa đông hầu như không thấy ánh sáng mặt trời.
Tháng 12/2007 Phần Lan sẽ kỷ niệm 90 năm độc lập. Có lịch sử và hoàn cảnh tương đối giống Việt Nam phải sống cạnh hai nước láng giếng lớn là Nga và Thụy Điển. Phần Lan có lịch sử 600 năm (TK12-19) là thuộc địa của Thụy Điển, hơn 100 năm (1809-1917) dưới sự đô hộ của Nga. Tuyên bố độc lập năm 1917 nhưng trong chiến tranh thế giới thứ hai phải tiếp tục chiến đấu với Nga. Mặc dù Nga không chiếm được Phần Lan nhưng Phần Lan phải nhượng 10% đất và chịu gánh nặng bồi thường chiến tranh 1 tỷ đô-la cho Nga. Gần như chỉ ngay sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Phần Lan ngả mạnh sang Châu Âu và chính thức gia nhập EU năm 1995, và là nước Bắc Âu duy nhất tham gia đồng tiền chung Châu Âu vào năm 2002. Thời gian thực sự hòa bình phát triển chỉ khoảng 50 năm (khoảng 20 năm trước Việt Nam) và cũng phải chịu suy thoái nặng nề đầu những năm 90s (91-94).
Nếu nhìn vào bảng so sánh thành tích trên thế giới (International Rankings), Phần Lan được xem là một trong những nước phát triển nhất châu Âu. Kể từ năm 2001 vượt Mỹ trở thành nước cạnh tranh nhất về kinh tế. Các chỉ số so sánh với OECD về toàn cầu hóa, môi trường, tự do kinh tế, cạnh tranh, thành tựu công nghệ, giáo dục, tự do báo chí, tham nhũng, chỉ số phát triển con người, chỉ số cạnh tranh, tăng trưởng hầu hết đều dẫn đầu thế giới hoặc đứng ở trong tốp 10 thế giới. Dân số trung bình khoảng 5 triệu trong đó lực lượng lao động trung bình gần 3 triệu người (số còn lại là người già, trẻ em và thất nghiệp) nhưng trong một thập kỷ qua GDP luôn ở mức trung bình 150 tỷ euro và đạt xấp xỉ 170 tỷ năm 2006; bình quân đầu người 38.000 euro/năm.
Quan hệ với Việt Nam, dù chỉ là một nước nhỏ (có 5.2 triệu dân), do quan hệ truyền thống, Phần Lan hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong thời chiến lẫn thời bình. Hàng năm, Phần Lan vẫn cung cấp cho ta khoảng 10-20 triệu Euro viện trợ không hoàn lại. Các dự án hợp tác phát triển về nước sạch, đóng tàu từ những năm 70s là những ví dụ điển hình về tính hiệu quả của Phần Lan.
Tất cả những thành tựu trên đều xuất phát từ nền giáo dục chất lượng cao, luôn đứng trong tốp đầu các nước tạo ra tri thức mới, trong đó NOKIA là một ví dụ điển hình. Dù dân số ít nhưng Phần Lan đóng góp 16 công ty trên tổng số 2000 công ty lớn nhất thế giới (Forbes 29.3.07).
Hệ thống giáo dục của Phần Lan, nhất là hệ thống giáo dục toàn diện, không phải được xây dựng một sớm một chiều, mà cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trong hơn 3 thập kỷ qua. Thế nhưng xuyên suốt trong lịch sử, tâm thức để xây dựng nền giáo dục đều xuất phát từ ý thức coi trọng tri thức. Từ bao đời nay trong tâm thức của toàn xã hội đều cho rằng Phần Lan là một nước nhỏ, ít dân, nghèo tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại nằm ở vị trí địa chính trị không thuận lợi. Để đối phó với những khắc nghiệt của thiên nhiên, địch họa và có chỗ đứng trong thế giới văn minh, hiện đại, phải xây dựng được nền giáo dục và xã hội dựa vào ba trụ cột chính là kỹ năng, tri thức và sáng tạo. Những mục tiêu chính trị đó là động lực thúc đẩy Phần Lan phải luôn phấn đấu duy trì được một nền giáo dục chất lượng cao và một xã hội học tập suốt đời. Ngay trong sử thi lâu đời nhất của Phần Lan – Kalevala – nhân vật chính không phải là một chiến binh anh hùng mà là một nhà thông thái dùng tri thức để tạo ra của cải và hạnh phúc, dùng lời nói và thơ văn thay cho súng đạn để chiến thắng kẻ thù.
Giáo dục là "vì lợi ích trăm năm". Mô hình giáo không phải là vấn đề "một sớm một chiều”. Giáo dục cần có một con đường, một triết lý. Phần Lan quan niệm rằng xây dựng một nền giáo dục cũng giống như đưa một đoàn tàu lớn từ cánh đồng lầy lên một đường ray bằng phẳng. Đối với Phần Lan, triết lý giáo dục bình đẳng, vì con người, được xây dựng trong nhiều thế hệ. Và để có được hệ thống giáo dục toàn diện như hiện nay cũng mất hơn 30 năm. Đối với một đất nước 5 triệu dân trong đó chưa đầy 1 triệu trong độ tuổi học toàn diện đã phải mất nhiều thời gian và tâm lực đến thế. Muốn đưa con tàu giáo dục Việt Nam (lạc hậu hơn, đông hành khách hơn) từ một vũng lầy lội hơn... lên một đường ray bằng phẳng sẽ gặp phải khó khăn hơn gấp bội phần.
No comments:
Post a Comment