Giáo dục Việt Nam đang đứng ở thứ bậc nào trên thế giới ? Xin mượn câu nói của GS TS Dương Thiệu Tống để thưa rằng: “Nền giáo dục Việt Nam có những lĩnh vực chậm sau thế giới ít nhất 100 năm!”. Chúng ta đã mòn mỏi chờ đợi một cuộc cải cách đúng nghĩa từ hơn nửa thế kỷ nay nhưng đến nay nền giáo dục Việt Nam vẫn ì ạch, dậm chân tại chỗ, “trống kêu dùi, dùi lại đổ lỗi cho trống”. Hậu quả của một nền giáo dục ốm yếu là căn bệnh chạy theo thành tích, tạo một thành tích ảo, giả tạo ngay trong chính môi trường học…Và chính con em chúng ta là những nạn nhân trả giá cho sự giả tạo ấy!
Yếu từ móng
Vì qúa nóng ruột mà nhiều người cho rằng giáo dục Việt Nam hiện nay cần phải phá bỏ cái móng cũ, đập phá nó để xây lại cái móng mới rồi mới tính đến chuyện giáo dục tầm cao. Ý kiến như thế xem ra cực đoan nhưng thật khách quan để nói rằng: nền giáo dục của chúng ta đúng ra chưa có móng. Vì sao? Theo GSTS Dương Thiệu Tống: “Cho đến tận bây giờ, Việt Nam chưa bao giờ có một trường Đại Học đào tạo chuyên gia Giáo dục cấp cao về mọi lĩnh vực trong giáo dục, chẳng hạn như : chuyên gia quy hoạch giáo dục, quản lý giáo dục, kinh tế giáo dục, soạn thảo chương trình, chuyên gia soạn sách giáo khoa, chuyên gia nghiên cứu phương pháp giảng dạy, đánh giá ở từng cấp…” Rõ ràng, nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang thiếu một chiến lược, mà chiến lược có tầm thì càng mơ tưởng. Rốt cuộc, qua bao lần cải cách giáo dục, chúng ta chỉ biết làm theo kinh nghiệm, mà hầu hết là những kinh nghiệm xưa cũ, lạc hậu và không theo kịp với đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tiến bộ của thế giới nên trong khi giáo dục của các nước tiến lên thì ngược lại chúng ta đang đi thụt lùi.
Phải nhìn nhận rằng, hệ thống giáo dục của Việt Nam từ trước đến nay ít thay đổi. Lý do dễ hiểu bởi mỗi lần cải cách giáo dục sẽ liên quan đến nhiều vấn đề, nhất là liên quan đến việc “trồng người” và hệ quả của nó. Có lẽ vì “trách nhiệm” lớn lao mà chậm cải tổ chăng hoặc cải tổ không đến nơi đến chốn để rồi sau bao nhiêu năm nền giáo dục nước nhà nếu không lặp lại vết xe cũ cũng chẳng có gì mới hơn?!
Rối như canh hẹ
Trong suốt hơn một thập niên qua, những vấn đề giáo dục của Việt Nam thường là những đề tài gây tranh luận trên báo chí, thậm chí trên các diễn đàn, ở các kỳ họp Quốc hội. Một thực tế không thể phủ nhận là truyền thống hiếu học của học trò Việt Nam và sự hy sinh của bố mẹ cho việc giáo dục con cái. Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở các trường giỏi trong nước khi có điều kiện ra nước ngoài học tiếp thường đoạt những giải thưởng cao, làm rạng danh đất nước và bạn bè quốc tế nghe nhắc đến sinh viên Việt Nam đều nể phục. Thế nhưng, khi nhìn vào chương trình giáo dục của Việt Nam hiện nay và theo dõi báo động của các nhà giáo dục trong nước, khó có thể phủ nhận một thực tế là giáo dục tại Việt Nam đang có vấn đề, ở mức độ khủng hoảng. Khủng hoảng hiện diện trong rất nhiều lãnh vực khác nhau của giáo dục. Đó là tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa không đồng bộ, tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan…đã làm bộ máy giáo dục vừa cồng kềnh lại vừa rối như canh hẹ. Hiện nay, rất nhiều địa phương tổng số biên chế giáo viên đang ở khủng hoảng thừa nhưng lại thiếu trầm trọng giáo viên ngoại ngữ, âm nhạc, vẽ, kỹ thuật. Cụ thể, bậc Trung Học Phổ Thông thiếu: 3.500 giáo viên ( dạy kỹ thuật ), 1.700 ( dạy ngoại ngữ ), 2.800 ( dạy thể dục ), 3.400 giáo viên ( dạy chính trị ); bậc tiểu học và Trung học cơ sở : thiếu 26.000 giáo viên nhạc, họa, 9.000 giáo viên thể dục và 15.000 giáo viên chính trị. Thực trạng này là do kế hoạch đào tạo của ngành không dự báo được số lượng giáo viên cần đào tạo bao nhiêu là phù hợp. Mặt khác, chủ trương giáo dục toàn diện theo mục tiêu cấp học với việc triển khai các môn âm nhạc, vẽ, thể dục... là đúng, nhưng đây cũng là những loại hình giáo viên đòi hỏi năng khiếu, đào tạo lại tốn kém. Các cơ sở không dễ một sớm một chiều có thể đáp ứng nhanh. Đó là chưa kể, tuy thiếu giáo viên các loại hình, nhưng nếu đào tạo ra chưa chắc đã sử dụng được, như ở một số vùng khó khăn, vùng núi cao, sâu, xa, hẻo lánh...
Theo một đề tài nghiên cứu khoa học về dạy thêm, người ta đã công bố tỉ lệ học sinh học thêm như sau: Tiểu học 96% toán, tiếng Việt; Trung học cơ sở : 98,9% toán, 92,2% ngoại ngữ, 73,3% văn - tiếng Việt; Trung Học Phổ Thông : 98,8% toán, 95,1% lý, 95,1% hoá. Thời gian học thêm: 54,3% học thêm từ 6 đến 15 giờ/tuần; 20,2% học thêm 16 giờ/tuần trở lên. Thực tế này đưa đến hậu quả vô cùng tai hại và rất phản giáo dục. Đó là học sinh dễ trở nên mệt mỏi, thiếu sự sáng tạo, hứng thú trong bài học mới và sẽ không còn bao nhiêu sức lực về đầu óc khi bắt đầu lên đại học. Và nếu cố gắng qua khỏi được đại học thì dễ có khuynh hướng nghỉ ngơi về đầu óc và hưởng thụ hơn là để bắt đầu một hành trình vào đời thật sự của một người trẻ về cả thể xác lẫn tinh thần.
Nền giáo dục của Việt Nam là giáo dục toàn diện, dạy chữ - dạy người luôn là mục đích lớn nhất, bao trùm nhất, nhưng với thiết kế và tổ chức chương trình đào tạo như hiện nay vẫn còn phiến diện. Trong khi trên thế giới đang áp dụng mô hình dạy - học gợi ý mang tính sáng tạo thì Việt Nam vẫn mang nặng tính nhồi nhét.
Cần một chiến lược cho giáo dục
Những trí thức vốn nặng lòng với giáo dục vẫn mang nhiều tâm trạng bức xúc với nền giáo dục nước nhà. Không phải chúng ta thiếu những nhà chiến lược giỏi nhưng cần nói thẳng rằng do cơ chế. Chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề này vào một dịp khác nhưng có thể nói chính sự nhùng nhằng về cơ chế đã làm cho nền giáo dục nước nhà không thể “cởi trói”. Mới đây, tại một hội nghị bàn về các giải pháp cho giáo dục, người ta đã thống kê có tới hơn 700 văn bản lạc hậu, xa rời thực tiễn giáo dục, rất cần có sự điều chỉnh, hoặc sửa đổi. Đó chính là hệ lụy của một kiểu làm quan liêu, không khoa học và thiếu trách nhiệm. Và dĩ nhiên người gánh chịu trực tiếp mọi kết quả lẫn hậu quả là thế hệ tương lai của đất nước.
Nhìn sang nền giáo dục các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore hay xa hơn một chút như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, có nước tuy xuất phát điểm của họ chậm hơn Việt Nam nhưng đến nay họ đã làm được những điều mà chúng ta chỉ có thể “ngữa cổ” đứng nhìn. Chính đầu tư cho giáo dục của họ đúng hướng nên kinh tế cất cánh là lẽ đương nhiên. Quốc gia nào cũng hiểu tài nguyên của đất nước chính là tri thức nên đề ra một chiến lược đúng hướng là có thể giải quyết được vấn đề. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia cho rằng: “Xu hướng giáo dục thịnh hành ngày nay là khơi dậy và nuôi dưỡng tính ham muốn học hỏi của sinh viên hơn là nhồi nhét cho họ một lượng kiến thức lớn. Nói cách khác, giảng dạy là phải nhắm đến mục tiêu khai thác và tận dụng nội lực của sinh viên để họ tự học thêm. Tính ham học này phải được duy trì suốt đời. Lượng kiến thức cần thiết để hành nghề ( bất cứ ngành nghề nào ) rất lớn, và những kiến thức này liên tiếp thay đổi nhanh chóng theo thời gian. Người học và người thực hành cần phải có thái độ “học, học nữa, và học mãi” để trở thành một người trí thức thực sự”.
GSTS Nguyễn Thuyết Phong, Giám đốc thường trú của Hội đồng trao đổi giáo dục quốc tế C.E.E ( Council on International Educational Exchange ) cũng đã trao đổi với phóng viên Người Viễn Xứ rằng: “Lý thuyết và thực tiễn trong giáo dục nói chung đều rất quan trọng nhưng giáo dục ở Mỹ coi trọng phần thực tiễn. Sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên ở Mỹ theo tỷ lệ 1/3. Có nghĩa là thấy giảng 30%, trò phải nghiên cứu, đặt câu hỏi chất vấn 70%. Sinh viên phải chủ động làm việc với thầy, chất vấn thầy. Ngoài ra, sinh viên được đi thực tế rất nhiều để bổ sung kiến thức. Chương trình C.E.E đưa sinh viên đến Việt Nam là nằm trong khâu bổ sung kiến thức thực tế ấy. Phương pháp dạy học ở Việt Nam và Mỹ khác nhau là vậy. Giáo viên ở Việt Nam mất nhiều thời gian để soạn giáo án và soạn rất công phu trong khi ở Mỹ bắt sinh viên làm việc, nghiên cứu thật nhiều để chất vấn giáo viên…”.
Tuy đã muộn nhưng đã đến lúc chúng ta liên kết với các trường đại học lớn, có uy tín trên thế giới để đào tạo những sinh viên ưu tú cho đất nước. Các trường này sẽ đào tạo các ngành mũi nhọn hiện nay của xã hội hiện đại như công nghệ thông tin, sinh học, hoá học, luyện kim, công nghệ cao, sinh học phân tử, xây dựng, điện tử, vật liệu mới… mang tầm vóc chiến lược về nhân sự của quốc gia. Ngoài ra để đảm bảo có tính đột phá trong giảng dạy và học thuật, chúng ta chấp nhận bước đầu thuê tất cả các giáo sư có uy tín trên thế giới về dạy tại các trường, chúng ta cũng có thể kêu gọi Việt kiều là các nhà trí thức lớn, các nhà khoa học hàng đầu hiện nay đang làm việc tại các phòng thí nghiệm và trong các tập đoàn lớn trên thế giới về nước để đóng góp vào chương trình giảng dạy, đào tạo nhân tài cho nước nhà.
Vâng! Giáo dục Việt Nam cần lắm một chiến lược lâu dài. Không thể nói suông bằng lời, không thể hô hào bằng khẩu hiệu mà phải bắt đầu bằng “Những việc cần làm ngay”. Dù muộn còn hơn lạc hậu kéo dài…
Hồ Duyên
No comments:
Post a Comment