Wednesday, April 22, 2009

Việc xử dụng nhân tài hiện nay tại Việt Nam - GS TS Nguyễn Đăng Hưng , Kiều bào Bỉ

Ngày họp quốc hội tháng 11 - 2007 vừa qua, Đại biểu Đồng Nai, nhà sử học Dương Trung Quốc có chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn về việc lãng phí nguồn nhân lực khi không sử dụng người ngoài Đảng vào bộ máy quản lý nhà nước. Câu trả lời của Bộ trưởng có vẻ rất chung chung: “Bộ Nội vụ không trình văn bản nào đề xuất đảng viên mới được đề bạt...”.

Sau đó Pháp Luật TP,HCM có nêu vấn đề này với ông Nguyễn Hữu Thọ, từng nhiều năm làm Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa trung ương, trợ lý Tổng Bí thư.

Ông phát biểu : « ...không phải cứ đảng viên mới giữ được trọng trách. Nhân tài ngoài Đảng phải đốt đuốc mà tìm, trân trọng mà mời chứ đừng hy vọng hô hào là họ sẽ tự ra đâu. Họ có nhân cách và có nhiều việc để làm. Hãy hiểu, nhân sĩ, trí thức bên ngoài khi nhận lời mời của Đảng tức là đã hy sinh một phần đam mê riêng của mình. Đọc chiếu cầu hiền của các bậc minh quân thì thấy các vị vua thời xưa rất nhún nhường, khiêm tốn khi tiếp xúc người tài ».

Đây là một nhận xét rất chính xác, tôi rất là đồng tình.

Tôi cũng thấy quan điểm của ông Hữu Thọ thể hiện ý kiến của phần đông những lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam bởi vì ai cũng muốn theo gương nhà sáng lập nhà nuớc hiện nay là Chủ Tịch Hồ Chí Minh: xử dụng đúng mức nhân tài ngoài đảng. Nhưng điều mọi người đều muốn mà ngoài cụ Hồ ra, chẳng thấy ai thực hiện cả, chẳng thấy áp dụng bao giờ trên thức tế Việt Nam cả, ngay cả trong giai đoạn cần thiết nhất là giai đoạn hội nhập hiện nay! Tôi muốn đến những vị trí có trọng trách.

Tại sao vậy? Tại sao một nghịch lý rõ ràng như vậy mà vẫn cứ tiếp tục qua năm tháng? Theo tôi, thủ phạm chính là cơ chế chính trị khép kín của thời bao cấp, rất cần thiết trong thời chiến tranh, nhưng không phù hợp nữa trong xu thế hoà nhập phát triển. Chính ông Hữu Thọ cũng nói đến một chi tiết chứng minh cho ý kiến này. Thật vậy, khi ông nói đến việc Bác Sỹ Tôn Thất Bách, một nhân sỹ ngoài đảng, một hiền tài cả nước biết tiếng, tuy được một số lãnh đạo đồng tình vẫn không lên làm Bộ trưởng Y tế được chỉ vì quy trình lấy phiếu tín nhiệm. Một khi qui trình bỏ phiếu tín nhiệm nằm trong tay một thiểu số cục bộ thì tài đức mười mươi hơn ông Tôn Thất Bách cũng không qua nổi. Thành ra quyết định là ở cơ chế. Vấn đề này không thể dừng lại ở lời kêu gọi chung chung mà là tạo ra cơ chế thật sự cầu hiền. Phải có cơ chế minh bạch, khách quan và vô tư thì mới có người tài đức xuất hiện giữ trọng trách xã hội hay chính quyền.

Lảng phí chất xám phương hại đến tương lai của cả dân tộc.

Tôi cũng rất đồng ý với nhà sử học Dương Trung Quốc. Đã đến lúc phải lên tiếng báo động mức tác hại to lớn của sự lãng phí này. Hơn bao giờ hết trong buổi hoà nhập phát triển ta cần người tài, những cá nhân có khả năng chuyên môn trong mọi lĩnh vực ở khắp các từng lớp nhân dân bao gồm hải ngoại.

Tôi cứ băn khoăn mãi tại sao cả nuớc mà không tìm được người lại giao đề án cốt lõi của công cuộc đổi mới hành chánh dự án tin học 112 cho những cá nhân chẳng có tâm cũng chẳng có tầm như vậy. Lãng phí chất xám sẽ níu theo vô số lãng phí khác, vô số tai hoạ khác...

Tôi lo là lãng phí “nguyên khí quốc gia” sẽ phương hại đến tương lai của cả dân tộc.

Nhất là Trung Quốc một nước khổng lồ bên cạnh ta cải tiến nhanh hơn ta nhiều!

Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành hàng loạt nghị quyết và chỉ thị khuyến khích người ngoài Đảng tham gia các vị trí chính trị; đáng chú ý là một nghị quyết năm 2005 yêu cầu chính quyền các địa phương và các ngành từ cấp huyện trở lên phải dành những chức vụ chủ chốt cho người ngoài Đảng và người không tham gia đảng chính trị nào, yêu cầu Quốc vụ viện - cơ quan hành pháp cao nhất của Trung Quốc - quan tâm đặc biệt tới việc bổ nhiệm những ứng viên ngoài Đảng Cộng sản và những người không tham gia đảng phái chính trị vào cức vụ bộ trưởng hoặc tương đương. Hiện nay Chánh phủ Trung Quốc có hai Bộ trường không phải là đảng viên. Đặc biệt ông Vạn Cương, một cựu Hoa kiều tại Đức, phó chủ tịch Đảng Trí Công, được cử làm Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.

Người tài cần môi trường tốt để phát huy

Người thực sự tài giỏi, có năng lực, có trí tuệ thường không thích khép nép, khúm núm, luồn cúi, van xin. Họ chỉ muốn được thừa nhận. Họ cần một môi trường minh bạch thông thoáng, cần những minh quân hiểu họ nhất là có lòng tin ở họ. Cơ chế khép kín tôi nói ở trên là hoàn toàn ngược lại với những yêu cầu này. Việt nam chưa có cơ chế tuyển lựa cán bộ qua một cơ quan thông tin trong sáng và phổ cập. Cho đến ngày nay cơ cấu là chính. Các động cơ của việc cơ cấu người thì rất phức tạp nhất là rất mơ hồ. Tôi lo ngại là cứ tiếp tục như vầy thì người tài sẽ đi chỗ khác hết. Họ sẽ vào các cơ sở tư nhân hay quốc tế để có chỗ phát huy đúng mức. Các cơ quan nhà nước quốc gia dần dần sẽ trở nên xơ cứng vì những thành viên cơ cấu nào có xứng tầm!

Tôi có kinh nghiệm theo dỏi từ 12 năm nay buớc đi lên của học trò các lớp cao học Bỉ-Việt mà tôi đề xướng và chủ trì. Trước nhất các em có sinh hoạt đoàn, có vị trí trong giới sinh viên thường học rất kém. Các sinh viên học giỏi, có tinh thần sáng tạo, có lòng đam mê khoa học thì lại rất ít sinh hoạt đoàn và sau khi tốt nghiệp thì chỉ muốn đi qua các nuớc tiên tiến để học tiến sỹ. Trừ những em đã có vị trí sẳn tại các trường đại học, sau khi tốt nghiệp tiến sỹ họ thường phấn đấu ở lại để làm nghiên cứu khoa học sau cấp tiến sỹ (postdoc) chứ không về Việt Nam. Các trường đại học Việt nam chưa thu hút được người tài giỏi xuất phát từ chính trường mình chứ đừng nói thu hút người từ chỗ khác.

Có một em người gốc Bình Thuận cũng học giỏi nhưng đây là trường hợp đặc biệt, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ EMMC đã quay ngay về tỉnh mình phục vụ. Tuy là một công chức có trình độ, có lòng tận tụy vì công việc, có chuyên môn cao nhưng em này đã phải phấn đấu liên tục, theo học các lớp chính trị cao cấp qua nhiều năm mới lên được chức phó giám đốc sở. Ta thấy tại Việt nam, cơ cấu thì nhanh lắm, nhưng phấn đấu có bài bản lại rất chậm trên con đường thăng tiến...

Các nước phát triển trên thế giới sẽ không đạt được trình độ phát triển này nếu không có chính sách lợp lý về việc tuyển lựa người tài.

Thí dụ tại Bỉ họ tuyển chọn người một cách rất minh bạch, không bao giờ để những thành kiến, những kỳ thị chi phối. Nếu các chức vụ hành chánh nhà nước cần phải có người có quốc tịch Bỉ, chức vụ giáo sư đại học, một vị trí xã hội cao cấp vào bậc nhất ở Bỉ lại mở cho mọi người, không phân biệt màu da, quốc tịch.

Tại sao vậy? Bởi vì họ quan niệm là giáo sư đại học phải có yếu tố quốc tế mới có giá trị! Đại học cần những nhà khoa học tham gia giảng dạy và khoa học là của chung của nhân loại, là sản phẩm của quốc tế!

Tôi đã trở thành giảng sư thực thụ có biên chế tại Bỉ ngay cả trong giai đoạn tôi vẫn còn giử quốc tịch Việt Nam (1976)!

Việc chọn lựa giáo sư đại học luôn luôn được thực thi theo một cơ chế mở được áp dụng tại hầu hết các nuớc tiến tiến Châu Âu, Hoa kỳ, Úc...

Trước hết qua báo chí đại chúng vị trí giáo sư đang cần người được công bố chánh thức. Cơ quan chịu trách nhiệm việc chọn lựa người giaó sư mới, thông thường là Khoa, thâu nhận đơn của các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới, có chuyên môn về lĩnh vực này. Một ban tuyển chọn bao gồm các nhà khoa học, các giáo sư không những chỉ là người của Đại học sở tại mà còn bao gồm người của các trường Đại học bạn, các chuyên gia quốc tế. Ban tuyển chọn này chỉ xem xét hồ sơ chuyên môn, khía cạnh học thuật (sách của ứng viên đã xuất bản, công trình khoa học đã công bố, ảnh hưởng khoa học của ứng viên, khả năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ứng viên, hoạt động xã hội của ứng viên...) chứ tuyệt đối không bao giờ được nhắc đến những yếu tố có tính cách cá nhân như tôn giáo, đảng phái trực thuộc, quan niệm sống... Sau một thời gian dài nghiên cứu và so sánh lý lịch khoa học của các ứng viên, một bản sắp hạng tạm thời được đề đạt. Tiểu ban báo cáo với Hội đồng Khoa ( bao gồm các giáo sư giảng dạy, một số đại diện thành phần trợ giáo, thành phần sinh viên, thành phần xã hội, công đoàn..) và qua bỏ phiếu kín, chọn ứng viên giáo sư xứng đáng nhất. Trong giai đoạn khảo sát này, tất cả các ứng viên đều được mời đến thảo luận trực tiếp với tiểu ban tuyển chọn và có quyền giải bày tất cả những điểm nỗi trội của cá nhân mình. Có như vậy những bất công mới được giảm thiểu một cách tối đa. Sau đó hồ sơ vụ việc được chuyển lên Hội đồng Quản trị nhà trường bỏ phiếu chấp nhận ( hay yêu cầu tuyển lại ) việc chọn lựa của Khoa.

Tên của giáo sư mới đã có. Bộ giáo dục và đào tạo, cơ quan chủ quản nhà nước chỉ chuẩn y quyết định từ dưới đưa lên chứ không can thiệp sửa đổi nữa. Dân chủ cơ sở là như vậy đó ở xứ người ta. Đừng quên là tại Bỉ 95% ngân sách là do Bộ chủ quản cấp!

Chánh phủ cấp ngân sách, nhưng không được can dự vào sự lựa chọn của cơ sở. Đó là điểm khác biệt cốt lõi với Việt Nam ta ngày nay!

Giáo sư danh dự trường Đại Học Liège, Bỉ

No comments:

Post a Comment