Friday, April 10, 2009

Văn hóa và văn hóa đi xe bus

Đọc một vài bài báo mục "Bạn đọc viết" trên www.vnexpress.net về "văn hóa đi xe bus của người Việt", tự nhiên mình cũng muốn "tản mạn" một chút về "Văn hóa và văn hóa đi xe bus".

Một vấn đề thường có hai hoặc trên hai cách hiểu, cách nhìn nhận khác nhau dù đó là một vấn đề tưởng chừng đơn giản. Vì vậy chủ điểm về "văn hóa đi xe bus" của Việt Nam (ngày nay) cũng được từng vị khách cảm nhận khác nhau. Có thể chia thành 3 loại ý kiến: Không chấp nhận văn hóa đi xe bus tại Việt Nam; chấp nhận; lưỡng phân (vừa chấp nhận vừa không chấp nhận, tùy hoàn cảnh cụ thể). Đó là lẽ đương nhiên trong tất cả các cuộc tranh luận. Chấp nhận hoặc không chấp nhận quan điểm của nhau bằng cách lý luận logic cũng là cách tạo ra văn hóa tranh luận. Tuy nhiên, có lẽ cách hiểu cụm từ "văn hóa" của những người tranh luận không thống nhất và không hiểu đúng nguyên nghĩa của cụm từ này. "Văn hóa" không bao giờ mang nghĩa xấu. Những gì xấu thì không bao giờ gắn với cụm từ "văn hóa". Chính vì không hiểu thực chất của cụm từ này nên đã có thời gian chúng ta sử dụng cụm từ "văn hóa đồi trụy" một cách tràn lan, xuất hiện nhiều trên báo chí, thậm chí nó trở thành một cụm từ "đắt giá" để mô tả sự hoành hành của lối sống, sách vở, báo chí, băng dĩa có nội dung đồi trụy, không phù hợp với truyền thống, bản sắc của dân tộc. Để đưa ra một định nghĩa chính xác về "văn hóa" để mọi người chấp nhận là điều không tưởng, vì "văn hóa" là cụm từ trừu tượng, một cụm từ mang tính khái quát. Chính vì vậy định nghĩa về "văn hóa" cung chỉ mang tính phổ quát mà thôi. Nói một cách ngắn gọn: "Văn hóa chính là những giá trị, niềm tin, kiến thức, lối sống được một cộng đồng, một xã hội thừa nhận và chia sẽ".

Trở lại vấn đề "văn hóa" đi xe bus của người Việt Nam, có thể đưa ra nhận xét sau:

Chúng ta vẫn chưa tạo được "văn hóa" đi xe bus. Nói cách khác là chúng ta chưa tạo được lối sống văn minh khi sử dụng hệ thống xe bus ở Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể liệt kê 2 nguyên nhân nổi bật sau:

- Ý thức tham gia phương tiện giao thông công cộng của hành khách quá kém. Có thể dễ nhận xét điều này nếu chứng kiến cảnh chen lấn lên xe bus của hành khách tại các giờ cao điểm hoặc tại các trạm xe bus trung tâm. Nếu đọc giả nào chưa từng chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy tại các trạm dừng xe bus thì có thể xem các đoạn video clips về cảnh móc túi tại các điểm dừng xe bus mà vnexpress.net đã từng cảnh báo. Tiện thể cũng bàn thêm, nếu ý thức của hành khách tốt, ví dụ không chen lấn, xếp hàng lên xe bus thì cảnh móc túi chắc chắn cũng sẽ giảm. Chính vì ý thức kém của từng hành khách mà tạo điều kiện cho những kẻ móc túi lộng hành.

- Ý thức của tài xế xe bus và lơ xe còn kém. Không phải toàn bộ, nhưng một số tài xế, lơ xe cũng có ý thức quá kém trong khi thực hiện nhiệm vụ. "Văn hóa xe bus" được dần dần tạo nên bởi ý thức tham gia của từng hành khách và của từng tài xế và lơ xe. Đó là hướng dẫn hành khách cách lên, xuống, ổn định chổ ngồi,.... Tận tình hướng dẫn khách nếu khách chưa quen tham gia hệ thống giao thông công cộng. Văn hóa người Việt có một điều cực kỳ hạn chế so với văn hóa các nước phương Tây đó là cực kỳ "tiết kiệm" hai cụm từ "cám ơn" và "xin lỗi". Ở phương Tây chúng ta có thể thấy hai cụm từ này trở thành cửa miệng đối với tất cả mọi người. Vì vậy, khó mà "bắt" tài xế "cám ơn" khi khách lên xe bus hoặc "bắt" khách "cám ơn" khi xuống xe. Tuy nhiên, nở một nụ cười thì tài xế và hành khách có thể làm được. Thế thì tại sao chúng ta chưa tạo ra nét văn hóa như vậy?

Văn hóa đi xe bus của người Singapore như lời kể của bạn Nguyễn Huy Phú là văn hóa được tìm thấy ở hầu hết các nước phát triển, có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Cũng như Singapore, tại New Zealand, những nét văn hóa đi xe bus của người tham gia giao thông rất rỏ nét. Đó là: "Thank you" khi lên xe, mua vé, xuống xe, "Sorry" nếu lên nhầm chuyến xe bus, tất cả đều phải xếp hàng lên xe bus. Nếu lần đầu tham gia hệ thống đi xe bus thì hành khách cũng không nên quá lo lắng vì tài xế xe bus rất tận tình hướng dẫn và cung cấp những thông tin bạn cần.

Lần đầu tiên tham gia hệ thống giao thông xe bus mình rất ngạc nhiên vì chứng kiến hầu hết các hành khách khi xuống xe đều "thank you" tài xế. Điều đó không có nghĩa là "cám ơn vì đã cho tôi một hành trình an toàn" mà còn thể hiện sự kính trọng của mọi người đối với một công việc. Nghề nghiệp nào cũng đáng quý, đáng trân trọng.

Trong thời gian vừa qua chúng ta đã đọc bao nhiêu bài báo nói về "những hung thần của đường phố". Chính vì sự vô trách nhiệm, sự bất cẩn, xem thường tính mạng của người tham gia giao thông nên một số ít tài xế xe bus đã gây ra những tai nạn thương tâm. Vừa đây thôi, chúng ta lại chứng kiến một vụ tai nạn thảm khóc. Hậu quả là 3 người cùng một gia đình chết do sự bất cẩn của tài xế xe bus. Chính vì vậy mà hình ảnh của các tài xế xe bus xấu đi rất nhiều trong mắt của hành khách. Xây dựng văn hóa xe đi xe bus phải đầu tiên bắt đầu từ các tài xế xe bus. Đó phải là những tài xế yêu nghề, lịch thiệp, văn minh, có trách nhiệm với hành khách và nghề nghiệp. Cũng phải nói thêm rằng, đòi hỏi có được một đội ngũ tài xế xe bus "đúng chuẩn" mà quên đi các yếu tố khác thì thật không công bằng. Đó là cần có sự quan tâm đúng mức của các công ty trực tiếp quản lý đội ngũ tài xế xe bus, cách tuyển nhân sự cho đội ngũ tài xế, chế độ lương bổng, hiện đại hóa hệ thống quản lý xe bus...vv

Tóm tại, "văn hóa đi xe bus không phải từ trên trời rơi xuống" mà trực tiếp được tạo nên bởi chính những người tham gia giao thông, của đội ngũ tài xế xe bus. Văn hóa đó gián tiếp được tạo nên bởi các công ty quản lý, của các cơ quan hoạch định chính sách phát triển giao thông công cộng, của các lực lượng chức năng tham gia quản lý giao thông.

No comments:

Post a Comment